Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc:

Bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa tinh thần lâu dài

NAM ANH

VHO - Việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường không chỉ là nhiệm vụ quan trọng đối với học sinh, mà còn là yếu tố then chốt để trang bị cho thế hệ trẻ những nền tảng vững chắc về tư duy và phát triển toàn diện.

Bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa tinh thần lâu dài - ảnh 1
Phát triển văn hóa đọc trong đối tượng học sinh cần được chú trọng hơn nữa

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp các em nâng cao khả năng tự học, mở ra những cánh cửa sáng tạo, khám phá tri thức, từ đó tạo dựng một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo và chủ động. Quan trọng hơn, trong bối cảnh xã hội số hóa, việc tiếp cận và yêu thích văn hóa đọc sẽ giúp thế hệ trẻ duy trì sự kết nối với tri thức, nuôi dưỡng lòng ham học và bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần lâu dài.

Mặc dù trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ và xứng đáng. Hệ thống thư viện dù đã được cải thiện, nhưng nguồn tài nguyên thông tin còn hạn chế và chưa đủ phong phú để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh. Hơn nữa, việc trang bị kỹ năng thông tin cho thế hệ trẻ chưa được thực hiện thường xuyên và bài bản, dẫn đến sự thiếu hụt khả năng khai thác và sử dụng tài nguyên tri thức một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ và giới trẻ ngày càng tiếp cận nhanh chóng với nguồn thông tin đa dạng, việc thúc đẩy văn hóa đọc, phát triển các kỹ năng nghiên cứu, đọc hiểu và xử lý thông tin là hết sức cần thiết. Chỉ khi văn hóa đọc được coi trọng và phát triển đúng mức, các em mới có thể tiếp cận tri thức một cách toàn diện, nuôi dưỡng tư duy phản biện, sáng tạo, góp phần xây dựng một xã hội học hỏi và phát triển bền vững.

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, các nhà trường cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục kỹ năng và phương pháp đọc sách cho học sinh, đồng thời gắn kết hoạt động đọc sách với quá trình học tập hằng ngày. Các em là thế hệ tương lai của đất nước, vì vậy việc phát triển đầy đủ kỹ năng thông qua việc đọc sách là vô cùng cần thiết, giúp các em trở thành những công dân sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Nhiệm vụ này cần được thực hiện ngay từ các cấp học đầu tiên, để văn hóa đọc được nuôi dưỡng và phát triển bền vững ngay từ khi các em còn nhỏ.

Bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa tinh thần lâu dài - ảnh 2
Tăng cường giới thiệu sách trên các nền tảng nghe nhìn cũng góp phần phát triển văn hóa đọc cho học sinh

Cùng với đó, trong xã hội hiện đại, khi công nghệ và truyền thông kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, việc duy trì và phát triển văn hóa đọc đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với mỗi người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Với học sinh tiểu học, đọc sách là một trong những kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà trẻ học được ở trường.

Để biến thách thức thành cơ hội, ngành thư viện cũng như xuất bản phải bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số của thời đại nếu không muốn tụt lại phía sau. Chính Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ giúp học sinh tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của các thư viện và xuất bản phẩm một cách dễ dàng. thuận lợi. Công nghệ nghe nhìn sẽ giúp các tác giả, nhà xuất bản và thư viện dễ dàng tiếp cận với bộ sưu tập tài liệu đa phương tiện. Mặt khác, việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm với hình thức nghe nhìn sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn. Có thể lấy minh chứng, qua kênh Cùng bạn đọc sách, sau khi nghe và xem các mục Sách hay nên đọc hay Đọc sách cùng bạn, nhiều em học sinh đã tìm đọc và mua sách để có thể nghiền ngẫm lâu dài.

Anh Đỗ Tiến Thành, người được mệnh danh là “cửu vạn sách” chia sẻ, để khơi dậy niềm đam mê với sách, giáo viên cùng phụ huynh có thể vận động, xây dựng tủ sách ngay tại lớp học cho học sinh. Như vậy sẽ bớt được thời gian phải ra thư viện, học sinh cũng có thể tự lấy sách ra đọc khi thời gian cho phép. Cách thức quản lý tủ sách cũng cần được giáo viên lưu ý để tủ sách thường xuyên được sử dụng chứ không phải chỉ để mở xong bỏ đó.