Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại miền Trung - Tây Nguyên

XUÂN HỒNG

VHO - Ngày 20.8, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên".

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại miền Trung - Tây Nguyên - ảnh 1
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm có cơ sở cung cấp những luận cứ khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững; qua đó, góp phần triển khai tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là phải “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Để phát huy đúng, đủ giá trị văn hóa Việt Nam góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải phát huy được giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

GS.TS Lê Văn Lợi cho biết, Việt Nam hiện sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên, 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ở miền Trung – Tây Nguyên có 5 di sản, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (UNESCO ghi danh năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).

Với 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong hơn 20 năm qua, khu vực miền Trung – Tây Nguyên tự hào là một vùng đất hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc. Trí tuệ, tâm hồn, sức sáng tạo của các cộng đồng dân cư, các tộc người sinh sống trên dải đất nhiều nắng gió này được kết tinh trong âm nhạc, trong các làm điệu dân ca, dân vũ, trong tinh thần gắn kết cộng đồng bền chặt…

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, các địa phương sau khi đón nhận danh hiệu được UNESCO ghi danh về di sản, công tác bảo tồn và phát huy được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh không những được bảo vệ tốt mà đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.

"Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vậy, làm sao để bảo tồn và tiếp tục phát huy các di sản văn hóa này khi mà các điều kiện xã hội đã và đang thay đổi nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa?", Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói và nêu vấn đề: “Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên thật sự tương xứng với tiềm năng vốn có?”.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại miền Trung - Tây Nguyên - ảnh 2
Chủ trì điều hành Hội thảo

GS.TS Lê Văn Lợi cho rằng, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, duy trì và xây dựng không gian công cộng trong buôn, làng, lễ hội cồng chiêng, chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản thế giới…";

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: "Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh".

Các giá trị văn hóa miền Trung – Tây Nguyên hiện là sức mạnh nội sinh rất lớn của cộng đồng, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển du lịch văn hóa, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Để góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về giá trị của di sản văn hóa đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa; và đặc biệt, để nhận thức rõ hơn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên được UNESCO ghi danh gắn với sự phát triển của khu vực, Ban Chủ trì Hội thảo mong muốn các nhà khoa học tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm, trong đó làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, làm rõ mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời giữa bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa đặc biệt này, để từ đó thống nhất nhận thức, tư duy của các nhà hoạch định chính sách sau này.

Đồng thời làm rõ quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, những bất cập trong Luật Di sản văn hóa hiện nay cũng những văn bản pháp quy còn chồng chéo, gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên;

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại miền Trung - Tây Nguyên - ảnh 3
Toàn cảnh Hội thảo

Đánh giá, làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, tổng kết những thành tựu đạt được, đặc biệt là thẳng thắn làm rõ những bất cập, hạn chế và xác định những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong hiện tại và tương lai; đặt trong bối cảnh mới hiện nay, hội thảo cần nhận diện được các tiềm năng, các lợi thế cũng như những cơ hội và thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy; xác định định hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên;

Tập trung vào những kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách có tính đột phá nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản quý giá này, đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng và cả nước”, GS.TS Lê Văn Lợi đề nghị, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu thảo luận làm rõ các vấn đề, đặc biệt có những đề xuất kiến nghị nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng và cả nước.

Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận và tuyển chọn được hơn 40 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, trường chính trị cùng các ngành, tổ chức chính trị - xã hội của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, tổng kết những thành tựu đạt được, đặc biệt là thẳng thắn làm rõ những bất cập, hạn chế và xác định những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong hiện tại và tương lai.

Đồng thời tập trung vào những kiến nghị cho Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách có tính đột phá nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản quý giá này, đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng và cả nước.