Tỉnh Bến Tre có ngày truyền thống:

Bảo tồn di sản và xây dựng tương lai

THÙY TRANG

VHO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1478/QĐ-TTg, chính thức công nhận ngày 17 tháng 1 hằng năm là “Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre”. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, UBND tỉnh sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15 tháng 1 tới.

Bảo tồn di sản và xây dựng tương lai - ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre chủ trì Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Lấy ý kiến định hướng về việc xác định ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và việc tổ chức các ngày lễ hội cấp tỉnh ở Bến Tre”

 Cùng ngày, UBND tỉnh cũng sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (1.1.1900 - 1.1.2025); 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17.1.1960 - 17.1.2025); tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng khởi danh dự” năm 2025.

Tầm vóc của Phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960

Bến Tre nằm ở hạ nguồn sông Tiền thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật với cảnh quan tươi đẹp, được bao phủ bởi những rặng dừa xanh mướt và hệ thống sông rạch chằng chịt. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng với nền văn hóa dân gian phong phú, nơi những giá trị bản sắc từ Ngũ Quảng được lưu giữ và phát triển, mà còn ghi dấu Phong trào Đồng khởi - mốc son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 17 tháng 1 năm 1960, Phong trào Đồng khởi bắt đầu nổ ra đồng loạt trên toàn tỉnh Bến Tre, từ các xã như Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh... Đây là cuộc nổi dậy được Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt, người dân Bến Tre đã tự vũ trang, đấu tranh chống lại chính quyền, giải phóng 51 xã, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Đặc biệt, Phong trào Đồng khởi nổi bật với sự tham gia của “Đội quân tóc dài” do Nữ tướng Nguyễn Thị Định lãnh đạo, thể hiện sức mạnh phi thường của phụ nữ trong chiến tranh.

Bảo tồn di sản và xây dựng tương lai - ảnh 2
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị phát động cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” năm 2024-2025. Ảnh: HẢI NAM

Phong trào Đồng khởi Bến Tre không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với địa phương mà còn có tác động mạnh mẽ đến toàn miền Nam. Đây là bước chuyển mình quan trọng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công, đánh dấu sự chuyển biến trong cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh vũ trang. Thắng lợi của Phong trào đã chứng minh cho tính đúng đắn và kịp thời của đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo của Đảng bộ và tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Bến Tre; khởi đầu cho cao trào đấu tranh của quân và dân miền Nam, làm cho chế độ Sài Gòn rơi vào khủng hoảng, tạo tiền đề cho những chiến thắng tiếp theo trong cuộc kháng chiến; góp phần quan trọng vào việc đánh bại các chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Chiến tranh Việt Nam hóa của Mỹ, mở đường cho thắng lợi quyết định trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975…

Đại tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định trong Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tỉnh Bến Tre (1982): “Phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960 là một mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, khởi nghĩa ở nông thôn đồng bằng. Nó đã thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với khí thế long trời lở đất!”.

Đồng khởi Bến Tre đã để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử của cuộc kháng chiến; là biểu tượng của ý chí quật cường và hình mẫu sáng tạo trong chiến tranh nhân dân, thể hiện sức mạnh của quân và dân Bến Tre; khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Phong trào không chỉ là một cuộc nổi dậy mang tính quân sự mà còn là minh chứng cho lòng kiên cường, dũng cảm và trí tuệ trong đấu tranh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ thắng lợi của Đồng khởi Bến Tre, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới đầy quyết liệt, mở đường cho những chiến thắng vang dội tiếp theo. Đến Mùa xuân năm 1975, dân tộc ta đã giành lại được độc lập, tự do. Tầm vóc của Phong trào đã trở thành một phần lịch sử vĩ đại của dân tộc, khắc sâu trong tâm trí và lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Bảo tồn di sản và xây dựng tương lai - ảnh 3
Thành phố Bến Tre nhìn từ trên cao. Ảnh: TRUNG HIẾU

Sự cần thiết có Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

Sau năm 1975, sau khi đất nước được giải phóng, Bến Tre - như nhiều địa phương khác ở miền Nam, phải đối mặt với vô vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, đời sống xã hội và kinh tế rơi vào tình trạng suy sụp. Tuy nhiên, với sức mạnh đoàn kết và tinh thần chiến đấu ngoan cường từ Phong trào Đồng khởi năm 1960, người dân Bến Tre đã vượt qua thử thách, bắt tay vào việc xây dựng lại quê hương.

Để ghi nhớ và tôn vinh chiến công vang dội của Phong trào, ngày 2.1.1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TV, nhằm kỷ niệm 17 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17.1.1960 - 17.1.1977). Đây cũng là dịp để phát động Phong trào “Đồng khởi mới”, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy sức mạnh nội lực của người dân.

Với cao trào “Đồng khởi mới”, quân và dân Bến Tre đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ngừng phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ. Sau gần 20 năm, Phong trào “Đồng khởi mới” đã lan tỏa rộng rãi, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về văn hóa, kinh tế và xã hội. Khi thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phong trào tiếp tục phát huy, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Bến Tre đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Với những giá trị lịch sử và thành tựu to lớn từ Phong trào Đồng khởi năm 1960, việc kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng khởi 17.1 hằng năm là hết sức cần thiết, nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của thế hệ đi trước và nhắc nhở thế hệ mai sau về tinh thần quật cường, sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, chọn ngày 17.1 làm Ngày Truyền thống của tỉnh không chỉ ghi nhận sự kiện lịch sử oanh liệt, mà còn là cách tôn vinh những giá trị đấu tranh, những đóng góp to lớn của người dân Bến Tre trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác giáo dục truyền thống văn hóa và cách mạng cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này không chỉ giúp các thế hệ tiếp nối hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh mà còn tạo động lực thúc đẩy tinh thần yêu quê hương, đất nước; giữ gìn các giá trị văn hóa; nâng cao nhận thức cộng đồng về lòng tự hào dân tộc, khơi dậy sức mạnh tinh thần để vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, việc công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17.1 sẽ góp phần duy trì và phát triển truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời là cơ sở vững chắc để Bến Tre tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới.