Bàn giao hai hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sẽ được “hoàn chỉnh”

VHO- Cuối tuần qua UBND xã Bình Định Bắc (Thăng Bình, Quảng Nam) đã tiến hành bàn giao hai hiện vật là con ốc và đóa sen thuộc về tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Quảng Nam bảo quản theo quy định.

Bàn giao hai hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sẽ được “hoàn chỉnh” - Anh 1

 Tượng Bồ tát Tara thiếu hai pháp khí trên tay

 Như đã phản ánh, pho tượng Bồ tát Tara bằng chất liệu đồng lớn được chôn giấu tại di tích Phật viện Đồng Dương được một nhóm người dân làng thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) tình cờ phát hiện vào năm 1978 và sau đó pho tượng này được thu hồi đưa về Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Hiện pho tượng này đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (TP Đà Nẵng).

Người dân thôn Đồng Dương đã đồng ý…

Năm 2012, Tượng Bồ tát Tara được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Đóa sen được xác định là vật cầm ở bàn tay phải, con ốc cầm bàn tay trái (pháp khí) là hai chi tiết quan trọng của tượng vẫn chưa thể “trở về” với pho tượng để tạo nên sự hoàn chỉnh vốn có của nó.

Cũng trong năm 1978, một nhóm dân ở thôn Đồng Dương lại tiếp tục phát hiện hiện vật con ốc (tù và) và đóa sen ở tượng của Pho tượng Bồ tát Tara tại di tích Phật viện Đồng Dương do bị đứt gãy trong quá trình khai quật trước đó. Sau khi nhận được thông tin, UBND xã Bình Định Bắc đã thu hồi, cất giữ và từ năm 1978 đến nay hai hiện vật quan trọng này được nhiều đời Chủ tịch xã Bình Định Bắc thay nhau cất giữ, bảo quản cẩn thận. Tuy nhiên quá trình lưu giữ gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất của trụ sở xã vẫn còn tạm bợ, công tác chuyên môn trong bảo quản, lưu giữ hiện vật không có người chuyên trách.

Theo Phòng VHTT huyện Thăng Bình, quá trình vận động người dân, các trưởng làng, tộc họ tại xã Bình Định Bắc đồng ý bàn giao hai hiện vật này cho Bảo tàng tỉnh theo đúng quy định và để bảo quản, lưu giữ tốt hơn cũng phải trải qua quá trình khá dài. Theo “hương ước” xưa nay của làng, đích thân Chủ tịch xã đương nhiệm sẽ là người nhận nhiệm vụ cất giữ hai hiện vật thiêng liêng này cho làng. Mỗi khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ tiếp tục bàn giao cho Ban Thường vụ và vị Chủ tịch mới “bảo vệ”, và việc cất giữ phải tuyệt đối bí mật vì người làng tin rằng đây là báu vật chung của làng. Nếu hai báu vật này bị mất hay lưu lạc ở đâu đó thì làng sẽ gặp họa. Chính vì thế việc cất giữ hiện vật này ngay tại xã Bình Định Bắc được thực hiện từ năm 1978 đến nay và người làng không đồng ý bàn giao cho đơn vị nào khác ngoài làng.

Đây cũng có thể được xem là nguyên nhân vì sao dù đã được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng pho tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng vẫn chưa được ghép nối hoàn chỉnh với hai hiện vật đóa sen và con ốc trên 2 tay của tượng. Ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, có thời điểm người dân ở xã chưa thông suốt nên từ chối không muốn bàn giao hiện vật. Nhưng sau khi được thông tin, tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa, chính quyền và người dân ở xã Bình Định Bắc đã đồng ý bàn giao hai hiện vật ở bàn tay Tượng Bồ tát Tara mà xã Bình Định Bắc đang lưu giữ, bảo quản về Bảo tàng Quảng Nam để lưu giữ, quản lý theo đúng Luật Di sản văn hóa.

“Việc bàn giao hiện vật giữa chính quyền xã Bình Định Bắc với Bảo tàng tỉnh diễn ra theo đúng Luật Di sản văn hóa và Công văn số 1909/BVHTTDL-DSVH ngày 20.5.2019 của Bộ VHTTDL về tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia”, ông Húy nhấn mạnh. Việc bàn giao này sẽ là cơ hội quan trọng để pho tượng Bồ tát Tara được khôi phục nguyên vẹn nhằm phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia cũng như phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, nghiêm cứu, tham quan cho nhân dân và du khách liên quan đến Phật viện Đồng Dương.

Bàn giao hai hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sẽ được “hoàn chỉnh” - Anh 2

 Lễ bàn giao hiện vật giữa UBND xã Bình Định Bắc và Bảo tàng tỉnh

Trước đó vào tháng 8.2019, đại diện Sở VHTTDL Quảng Nam, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với UBND và các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện Thăng Bình để bàn cách tiếp quản hai hiện vật chi tiết của Tượng Bồ tát Tara từ UBND xã Bình Định Bắc. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua UBND xã này mới có thể tiến hành bàn giao hiện vật con ốc và đóa sen cho Bảo tàng tỉnh.

Cần xem xét kiến nghị của người dân

Như Văn Hóa đã phản ánh, tháng 3.2019 UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị được tiếp nhận hiện vật là hai chi tiết con ốc và đóa sen mà UBND xã Bình Định Bắc đang lưu giữ, bảo quản. Trong công văn có nêu rõ hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang quản lý và trưng bày, giới thiệu nhiều hiện vật có giá trị của nền văn minh Champa được sưu tầm khoảng 100 năm nay tại các địa phương miền Trung. Trong đó có Tượng Bồ tát Tara được phát hiện tại xã Bình Định Bắc vào năm 1978 và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Tuy nhiên pho tượng này hiện đang thiếu hai chi tiết nói trên. UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam giúp đỡ, chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được tiếp nhận lại hai chi tiết của pho tượng nhằm giúp pho tượng được khôi phục nguyên gốc, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của Bảo vật Quốc gia cũng như phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan cho nhân dân và du khách. Liên quan đến đề xuất của TP Đà Nẵng về việc được tiếp nhận hai hiện vật nói trên, ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Quảng Nam) cho biết, trước mắt các đơn vị liên quan đã xúc tiến công tác bàn giao, tiếp nhận hiện vật con ốc và đóa sen từ địa phương về Bảo tàng tỉnh để tạm lưu giữ, bảo quản. Còn sau đó có bàn giao hiện vật cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng như đề xuất của TP Đà Nẵng hay không thì cần phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.

Bàn giao hai hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sẽ được “hoàn chỉnh” - Anh 3

 Hai chi tiết con ốc và đóa sen được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam

Cũng theo ông Hướng, đơn vị cũng đã từng tham mưu UBND tỉnh quyết định tặng cho các địa phương khác nhiều hiện vật để trưng bày, phát huy giá trị. Việc bàn giao hai chi tiết hiện vật của pho tượng Bồ tát Tara cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo Luật Di sản văn hóa là đúng vì hiện vật gốc là Pho tượng đang được trưng bày ở đó. Hai hiện vật nhỏ này nếu được bàn giao về sẽ góp phần giúp pho tượng được khôi phục nguyên gốc, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia.

Về vấn đề này, theo ông Phan Ngọc Bích, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã tiếp nhận bàn giao, tạm lưu giữ và bảo quản hai chi tiết hiện vật theo đúng quy trình, quy định và chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về đề xuất của TP Đà Nẵng. Theo ông Bích, pho tượng Bồ tát Tara đã được công nhận là Bảo vật quốc gia khi còn thiếu hai chi tiết nói trên nên hai hiện vật này có thể xem là hai hiện vật độc lập. Việc có bàn giao hai hiện vật này cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hay không cũng không ảnh hưởng lắm đến giá trị của Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, nếu bàn giao được thì sẽ góp phần khôi phục nguyên gốc, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia.

Ông Bích cũng cho biết thêm, trong quá trình tiếp xúc, vận động người dân địa phương bàn giao hai hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, người dân Đồng Dương cũng bày tỏ mong muốn là việc bảo quản, lưu trữ hai hiện vật này như thế nào phải đúng với nguyên gốc, để khi cần người dân có thể dễ dàng đến tham quan hiện vật gốc chứ không phải là xem các bản “phục dựng”. Đồng thời cũng mong UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VHTTDL xem xét hỗ trợ, giải quyết các kiến nghị của nhân dân và cán bộ thôn Đồng Dương đã đề xuất trong quá trình làm việc như hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, tường rào, cổng ngõ, lối vào,… Hỗ trợ kinh phí nâng cấp nhà văn hóa xã để bảo quản, trưng bày hiện vật liên quan đến Phật viện Đồng Dương. 

 Tượng Bồ tát Tara (tên đầy đủ là Laksmindra Avalokitesvara) là pho tượng Phật giáo bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chămpa và là pho tượng đồng duy nhất mang những đặc trưng về thủ pháp tạo hình cũng như những đặc trưng về tiếu tượng học của nền nghệ thuật Phật giáo Chămpa mà đặc biệt là phong cách Đồng Dương.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc