Ai còn nhớ “Làng Đỏ” ngày ấy?
VHO - Có một vùng đất bên bờ sông Lam thuộc phường Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) là nơi “đi đầu dậy trước” trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống lại thực dân Pháp và làm nên phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh với khí thế “long trời lở đất”. Thế nhưng mấy ai còn nhớ đến “Làng Đỏ” ngày ấy.
Phường Hưng Dũng thuộc TP Vinh xưa gọi là xã Yên Dũng Thượng. Vùng đất này vốn có truyền thống yêu nước, sớm tiếp thu những tư tưởng cấp tiến đương thời nên người dân Hưng Dũng đã đi theo, ủng hộ cách mạng từ thời kỳ còn trứng nước. Nơi đây được vinh dự gọi tên “Làng Đỏ” bởi có phong trào yêu nước, cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ, có chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng “đỏ” như nông hội đỏ, xích vệ đỏ, phụ nữ cứu quốc…
Chúng tôi về “Làng Đỏ Hưng Dũng” vào một buổi sáng mùa thu trung tuần tháng 9, nắng rải vàng khắp ngõ phố “Làng Đỏ”. Theo dòng lịch sử, nơi đây được Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm căn cứ hoạt động gây dựng phong trào, là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình chống áp bức bóc lột, đòi giảm sưu, giảm thuế, cấp ruộng đất công. Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 1.5.1930 với hàng ngàn người dân Yên Dũng Thượng tập trung xuống hợp nhất với các đoàn nông dân các xã vùng, kéo lên trung tâm tỉnh lỵ Vinh; vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế… Thực dân Pháp hoảng sợ trước khí thế của quần chúng nhân dân, đã cho lính đàn áp đoàn biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương, hàng trăm người bị bắt. Mặc dù bị đàn áp dã man nhưng tinh thần cách mạng của Chi bộ Đảng và nhân dân Hưng Dũng vẫn không hề nao núng.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chính quyền phong kiến nơi đây tan rã. Chính quyền Xô viết của nhân dân ra đời với tên gọi “Nóc bát hương” gồm đại diện của tổ chức Nông hội ở 8 thôn. Đình Trung trở thành trụ sở của chính quyền Xô viết trong một thời gian dài và trực tiếp đã đứng ra giải quyết việc chia đất hoang hóa cho dân nghèo, tổ chức truyền bá chữ Quốc ngữ, quản lý mọi mặt công tác trong xã Hưng Dũng. Ngày 5.11.1930, trong thư gửi Quốc tế Nông dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số làng Đỏ, chính quyền Xô viết của nông dân đã được thành lập”. Chính vì vậy Yên Dũng Thượng có tên “Làng Đỏ” từ ngày đó.
Từ những ngày Xô viết Nghệ - Tĩnh bất diệt năm 1930 đến nay, vùng đất kiên cường, trung nghĩa bên bờ Sông Lam nay đã đổi thay rất nhiều. Những cánh đồng năn, đồng lác năm xưa được ghi trong sử sách đã không còn nữa. Thay vào đó là những nhà cao tầng, khu đô thị mới. Còn đó đình Trung, cây Sanh chùa Nia, Dăm Mụ Nuôi, nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, Nguyễn Hữu Diên, nhà ông Lê Mai. Những địa chỉ ấy đã được nhà nước công nhận cụm di tích lịch sử cách mạng “Làng Đỏ Hưng Dũng”. Di tích đình Trung với những cây cột đình, xà ngang, hoành dọc đã được tỉnh Nghệ An cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo. Đình Trung đã khoác lên mình mái ngói mới đỏ hồng. Đình Trung khi cao trào Xô viết là nơi hội họp, tuyên truyền cách mạng, sinh hoạt, hội hè, mít tinh của nhân dân. Giờ đây, đình Trung trở thành nơi sinh hoạt tinh thần của nhân dân và là nơi trưng bày truyền thống về Làng Đỏ Hưng Dũng.
Tìm đến di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên nằm sâu trong con ngõ nhỏ của đường Phùng Khắc Khoan, chúng tôi được biết, theo sử liệu, nhà ông Diên là nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của Xứ ủy Trung Kỳ và cũng là nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng. Sau khi thực dân Pháp phát hiện, gia đình ông bị bắt giam, ngôi nhà tranh bị đốt cháy. Ngôi nhà hiện tại trên phần đất di tích là do ông Nguyễn Hữu Thân, con trai út của ông Nguyễn Hữu Diên xây dựng lên năm 1982. Hiện nay, ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Thân đã xuống cấp, nhiều lần gia đình muốn sửa chữa, cơi nới nhưng chính quyền không có cơ sở pháp lý để giải quyết… Tìm đến biển chỉ dẫn di tích Dằm Mụ Nuôi trên đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, tại ngã ba đoạn nối đường Tôn Thất Tùng, là nơi chứng kiến sự ra đời của chi bộ đảng và địa điểm liên lạc hội họp, mít tinh của Chi bộ Hưng Dũng trong những năm 1930-1931. Thế nhưng, biển chỉ dẫn di tích lại bị lấn chiếm, che khuất bởi cây xanh, biến thành nơi buộc, căng bạt bán hàng. Không những thế biển chỉ dẫn còn bị xuống cấp, các dòng chữ đã mờ, bong tróc mất thẩm mỹ do không được quan tâm tôn tạo, tu bổ.
Gặng hỏi những người dân xung quanh đây về “Làng Đỏ” năm xưa, người bảo chỉ nhớ mang máng, còn lại là cái lắc đầu. Thời gian đã lùi xa, có thể che khuất nhiều sự tích, câu chuyện, nhưng lịch sử “Làng Đỏ” không được phép phai mờ trong thế hệ hôm nay và mai sau. Để có được điều đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tích cực truyền thông, quảng bá với nhiều hình thức phong phú hơn nữa, chứ không nên lặng lẽ như lâu nay.