Xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản

VHO- Suốt mấy ngày qua, chúng ta đã theo dõi việc xử lý sai phạm trong việc dựng cổng mới ở đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội). Câu chuyện, dù có vẻ ngã ngũ khi cổng di tích này được chuyển về nguyên trạng, nhưng nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, không chỉ với di tích này, mà còn đối với nhiều di tích khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Điều đó có nghĩa là, nếu chỉ giải quyết chuyện của riêng đình Tây Đằng mà không rút ra bài học kinh nghiệm cho các di tích khác, thì sẽ có những sai sót xảy ra, không lúc này thì lúc khác, không ở địa điểm này thì ở địa điểm khác.

 Đồng ý rằng, theo Luật Di sản văn hóa, di tích đã được công nhận thì phải giữ nguyên trạng. Mà đã là luật thì phải thực thi. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, hầu như các di tích của Việt Nam, cái cổng mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị bảo vệ di tích, vì thế, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi tính thiêng của các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh như đình, đền, chùa suy giảm khiến tình trạng lấn chiếm, trộm cắp ở các di tích này gia tăng, và việc bảo vệ di tích khỏi những tình trạng tiêu cực này buộc người trông coi di tích phải có biện pháp bảo vệ phù hợp. Những chiếc cổng ra đời trong bối cảnh như vậy. Không hoàn toàn cũ nhưng cũng chẳng phải mới. Những cái cổng hay một vài công trình có liên quan khác là sự phù hợp của di sản với bối cảnh phát triển của xã hội.

Luật Di sản văn hóa có những quy định cụ thể. Di tích có những khu vực bảo vệ mà không phải ai, kể cả nhà quản lý hay người dân cũng có thể hiểu cặn kẽ được. Nhà quản lý thì ở xa, người dân thì ở gần. Thực tiễn cuộc sống luôn sinh động hơn luật khiến cho những quy định đôi khi không hoàn toàn phù hợp với đời sống. Chính vì thế, trong một số trường hợp, có người đã nói rằng: Nếu chúng ta bảo tồn di sản một cách thái quá, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thì chúng ta đang đối xử bất công với những người đang sống. Nói như thế để thấy rằng, bên cạnh công việc thực thi luật, chúng ta cũng luôn để ý đến cộng đồng, chủ thể của di tích, đang trực tiếp sống, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Người dân là chủ thể của di sản nên họ cần có tiếng nói nhất định. Tuy nhiên, người dân có điểm yếu là họ không có hiểu biết đầy đủ về giá trị di tích, chính vì thế, nhiều khi, chính người dân là những người vi phạm luật dù họ chẳng hề cố tình. Một chiếc cổng to hơn, một bộ tượng sơn nhiều màu, bắt mắt hơn có thể là nguyện vọng của chính cộng đồng. Không phải cái gì làm to hơn, mới hơn cũng làm đẹp cho di tích, tạo thêm giá trị cho di tích. Nhưng cần phải làm gì thì người dân không phải lúc nào cũng hiểu. Vì vậy, cộng đồng cần có thông tin đầy đủ về những phương án khác nhau để tôn vinh di tích của họ, tạo ra sự độc đáo cho riêng họ, giúp họ phát triển kinh tế - xã hội từ chính tài sản văn hóa của chính họ.

Di tích không chỉ là hiện vật của quá khứ, mà còn là niềm tự hào của chính cộng đồng. Đó là nhiệm vụ của Nhà nước và các nhà khoa học. Cộng đồng chính là người đưa ra quyết định, từ đó vững tâm bảo vệ di tích của chính mình. Nhờ đó, di tích được bảo vệ bền vững vì nó tồn tại bởi cộng đồng, cho cộng đồng và vì cộng đồng mà di tích đã sinh ra, phát triển. Nếu cổng đình Tây Đằng được thiết kế dựa vào việc khai thác những giá trị nghệ thuật độc đáo của đình Tây Đằng, được sự đồng thuận của người dân ở đây, thì tôi tin chắc rằng sẽ không có những tranh cãi không cần thiết như chúng ta thấy vừa qua.

Như vậy, một chiếc cổng hay một hạng mục trùng tu, tu bổ mới dựa vào nghiên cứu kỹ lưỡng của các nhà khoa học, phù hợp với giá trị của di tích, được sự đồng thuận dựa trên biểu biết đầy đủ của cộng đồng sẽ là giải pháp tốt nhất cho các di tích nói chung, đình Tây Đằng nói riêng. Đây chắc chắn sẽ là bài học cho các di tích khác, đối với các hạng mục khác chứ không riêng gì chiếc cổng. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc