Xin đừng ngộ nhận
VHO- Cách đây mấy hôm, trên một chương trình truyền hình có phát phóng sự về công trình lịch sử, văn hoá nổi tiếng Cột đá chùa Dạm được phóng tác từ... công nghệ 3D. Cũng mới đây thôi, những người yêu quý di sản lần đầu được trải nghiệm một trong những biểu tượng văn hoá của Thủ đô là chùa Một Cột bằng thực tế ảo. Ngay sau đó là một cuộc tọa đàm khoa học nhằm chia sẻ những thông tin liên quan đến bản dựng bằng công nghệ 3D đối với công trình văn hoá này.
Phải nói rằng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc phục dựng những phế tích trên nền các công trình cổ xưa là điều hết sức khó khăn, nếu không dám nói là không thể. Người viết còn nhớ, cách đây gần hai thập kỷ, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đã đề cập bằng văn bản, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền về việc cần bắt tay thu thập tài liệu, chứng cứ, hình ảnh để phục dựng Điện Kính Thiên, một công trình có giá trị, ý nghĩa nổi bật ngay trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Mới đây, tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá thế giới, lại một lần nữa câu chuyện phục dựng Điện Kính Thiên được đặt ra, và trong số những ý kiến đồng thuận thì cũng có không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, “vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, không thể vội được”.
Hay như một công trình đã là phế tích ngay trong khu Đại nội Huế vốn đã được nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm đến việc phục dựng từ cách đây gần ba thập kỷ, với hàng chục cuộc hội thảo đã diễn ra, hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước đã đưa ra rất nhiểu bằng cứ từ tư liệu hình ảnh, khảo cổ, thậm chí là bản vẽ kiến trúc rất xác thực đặng đi đến sự đồng thuận cho việc phục dựng. Vấn đề không phải là kinh phí cho công việc đầy khó khăn này, mà nó nằm ở chỗ, những chuyên gia hàng đầu khi được mời tham gia tư vấn dự án vẫn cảm thấy chưa yên tâm. Sở dĩ họ chưa yên tâm là bởi, những chứng cứ, tài liệu được đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Cho đến tận bây giờ, công trình phế tích ấy vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” với nền móng rêu phong.
Lại một chuyện nữa cũng liên quan đến việc phục dựng di tích gây nên sự tranh cãi gay gắt trong giới chuyên môn. Số là công trình phế tích ấy rất có giá trị và đã được tiến hành khai quật nhiều lần, hội thảo cũng đã đủ in được vài tập sách. Nhân một ngày lễ trọng, lãnh đạo địa phương muốn phục dựng công trình lịch sử, văn hoá trên nền móng thềm rồng, nhưng cuối cùng thì trong dự án người ta lại lồng vào chữ “phỏng dựng” chứ không phải là “phục dựng”. Mà đã là phỏng dựng thì có đúng và cả chưa đúng. Tranh cãi thì vẫn cứ tranh cãi, còn dự án vẫn cứ triển khai, thực hiện...
Dẫn ra những câu chuyện như trên để thấy rằng, chúng ta rất trân trọng những nhà nghiên cứu khoa học, nhất là những nhà nghiên cứu trẻ cùng với một nhóm kiến trúc sư tâm huyết với di sản nước nhà khi họ đã ứng dụng công nghệ để “trình diễn”, phỏng dựng những công trình kiến trúc lịch sử cổ xưa đã mất, đem lại cho người xem những trải nghiệm vô cùng thú vị, mới mẻ. Qua đó, người xem có thể hình dung được phần nào về quy mô, vị thế, giá trị thẩm mỹ, kiến trúc của công trình, nó thật sự nguy nga và tráng lệ. Giá như công trình ấy vẫn còn ngự trong cuộc sống đương đại! Thế nhưng, đó chỉ là giá như! Vì thế, rất mong ê kíp thực hiện những công trình 3D di sản văn hoá ấy “giải thích”, “giải trình” cho khách trải nghiệm, rằng “thưa quý vị, quý vị đang xem là công trình do chúng tôi phỏng dựng, chứ không phải là phục dựng”. Nói rõ như thế để không ai phải bị ngộ nhận.
NGUYỄN THANH SƯƠNG