Văn hóa và kiến trúc nhìn từ di sản và di sản Huế
VHO - Những thành phố văn hóa đều cúi nhìn quá khứ của mình trên những di tích. Bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xăm đầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng của hiện hữu gọi là lịch sử; con người hưởng thụ được những hoa văn rực rỡ của trí tuệ gọi là cái đẹp, tiếp thu những kinh nghiệm sống quý báu mà những thế hệ xa xưa đã tạo nên, gọi là văn hóa.
Lịch sử nén chặt trong những di tích, khác với sách vở, làm vang động lòng người bằng sức mạnh hoành tráng và tiếng nói sâu thẳm riêng của nó…
“Ý thức cội nguồn, chân lý lịch sử và lòng biết ơn tổ tiên truyền đạt qua những di tích, di vật nhìn thấy được là một niềm hạnh phúc vô hạn nuôi dưỡng những phẩm chất công dân cao quý nơi mỗi con người…”. Trong tác phẩm Nhà thờ Đức Bà, văn hào Pháp Victor Hugo đã phát hiện ra rằng những công trình kiến trúc trước hết là những cuốn sách khổng lồ diễn đạt tư tưởng của loài người, đặc biệt vào thời mà công nghệ in chưa được khám phá. Những di tích của nhiều thế kỷ trước do đó là triết học và tư tưởng cộng đồng được diễn đạt bằng vật liệu xây dựng.
Quần thể di tích Huế phản ảnh rất rõ bản chất triết - mỹ học của người Việt.
Lăng các vua Nguyễn là những minh chứng hoành tráng. Lăng Gia Long kết hợp giữa thế núi hùng vĩ và chất liệu đá hoa cương mênh mông là biểu hiện của lý tưởng Người Hùng; lăng Minh Mạng kiến trúc theo nguyên lý đối xứng nghiêm nhặt, chính là lý trí và quyền lực; lăng Tự Đức, trong một tổng thể nhằm phá vỡ sự đối xứng, là mỹ học của Thơ và Thiền; lăng Khải Định, dù bị chê là “lai căng“ thực ra vẫn phản ánh sức chuyển mình của xã hội cũ trong giao lưu với văn minh Tây phương. Ngoài những quần thể lớn, còn những di tích nhỏ rải rác khắp các làng quê quanh Huế, như miếu thờ bà chúa Ngọc tứ Huyền Trân, đài tế thần của giới mục đồng, đình thờ những vị tổ sáng tạo nghệ thuật hoặc công nghệ, tất cả đều là cách viết lịch sử bằng chất liệu không phải chữ viết diễn đạt truyền thống tồn tại của các tầng lớp xã hội... Đôi triêng gióng và chiếc đòn gánh chẳng hạn ở các làng quê, món của hồi môn duy nhất cha mẹ dành cho con gái lúc về nhà chồng, chúng chính là biểu tượng của lời giáo huấn phải xứng đáng trong bổn phận làm vợ, làm mẹ…, bình vôi với tục ăn trầu, nhuộm răng hàm chứa phong cách sống của người Việt từ khi dựng nước...
Tất cả các loại di tích của truyền thống văn hóa nhà thờ gia tộc, đình miếu đều xuất phát từ những sự kiện có ý nghĩa nào đó diễn ra trong quá khứ, mà hàm lượng văn hóa vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đời sống của thế hệ mai sau.
Lịch sử văn hóa đã được lưu truyền trong bộ nhớ của con người qua các di tích. Có thể nói một cách không khiêng cưỡng, rằng nhìn từ phía tác động của nó đối với hiện tại và tương lai, di tích là “chiều thứ tư” của thế giới bao quanh con người - tức là thời gian.
Chiều kích thứ tư này cho thấy di tích không những nằm trong quá khứ, mà sống động trong hiện tại và tương lai. Di tích hàm chứa tiềm thức văn hóa góp phần quan trọng trong sự hình thành tính cách con người.
Một cách đơn giản có thể nói rằng sự tiếp xúc thường xuyên từ bé đến lớn với những di tích (và toàn bộ sự vật mang ý tưởng tương tự) đưa tới sự hình thành tiềm thức văn hóa nơi mỗi con người, từ đó con người tuồng như ít thay đổi trong cách sống ở đời của nó, dù đã trải qua giao tiếp với nhiều nền văn hóa khác nhau. Tiềm thức văn hóa làm nên sự khác biệt của tính cách sống của con người trong mỗi xã hội. Từ đó ta có thể nói về một tính cách Huế khác với phong cách Hà Nội hay TP.HCM.
Có lẽ vì thế mà người ta có thể nhận xét về một “tính cách Huế” trong cả cái hay và cái dở của nó… Về tinh thần, chân dung người Huế rất giống với diện mạo thành phố sinh trưởng của mình, nơi đó mọi ý niệm của triết lý cộng đồng đều được diễn đạt qua tổng thể các di tích.
“Lòng ta là những hàng thành quách/Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa” (Vũ Đình Liên). Các di tích là trí nhớ của cộng đồng, mặt khác cũng là kỷ niệm riêng nơi mỗi con người, những kỷ niệm của tuổi thơ mơ ước, nhưng vầng trăng yêu đương, nỗi cô đơn tự phát hiện trên dâu bể đời người, tất cả những nỗi riêng ấy hầu như gắn liền với dấu rêu lặng lẽ trên những di tích mà con người đã có lần đi qua.. Với người Huế, thành quách rêu phong, ngôi nhà xưa cổ, sân trăng quạnh quẽ, rêu phong mái nhà, năm tháng vào ra, đều là những dấu ấn trong tiềm thức định đoạt một phần nội tâm. Từ đó khi nhìn ngắm nét điêu khắc trên Cửu Đỉnh ở Thế Miếu, hầu như mỗi người Huế đều ngạc nhiên mừng rỡ thấy được chú ve sầu của thời thơ ấu mải mê, và bỗng tự nhận ra chính mình.
Từ cảm thức văn hóa, các công trình kiến trúc đã được dựng nên. Khi nhìn về quần thể di tích kiến trúc Huế, ta có thể khẳng định tác phẩm mà người xưa để lại là một gia tài văn hóa. Ngày nay trong tương quan với quá trình phát triển, di tích trở thành điểm đến du lịch, cho ta thấy, văn hóa càng chính thống, càng đặc thù là phần tử cốt lõi làm nên điều kiện của phát triển. Nói trong trường hợp của di tích Huế, chính nhờ bảo thủ trong quá trình thay đổi phi văn hóa, Huế ngày nay phát triển trên di tích.
Hiển nhiên trong đời sống tinh thần người Việt, Huế là một trung tâm văn hóa có thực với cộng đồng dân cư không lớn nhưng đã tạo ra một đời sống văn hóa nghệ thuật riêng, một hệ thống các quan niệm nhân văn hiển hiện qua những tập quán ứng xử và thờ phụng riêng“, cách nấu ăn, may mặc, giải trí, cách xây dựng nhà ở và đô thị riêng, cả những khát vọng và những mê tín riêng, tạo nên một “tính cách Huế”...
GS.TS THÁI KIM LAN