Văn hoá, nghệ thuật và đại dịch

VHO- Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã khởi động chiến dịch “ResiliArt-Nghệ thuật kiên cường” với các nghệ sĩ trên toàn cầu nhân Ngày Nghệ thuật thế giới 15.4 trong bối cảnh dịch Covid-19.

Văn hoá, nghệ thuật và đại dịch - Anh 1

Ghen Cô Vy có sức lan tỏa lớn, góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Lý do UNESCO khởi động chiến dịch này, theo Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azou­lay: “Giữa khủng hoảng, nghệ thuật vẫn đóng vai trò quan trọng. Hàng tỉ người trên thế giới đã tìm tới văn hóa như nguồn cội của sự an ủi và kết nối. Văn hóa và sự sáng tạo gắn kết mọi người. Những bộ phim, tác phẩm hội họa và nghệ thuật điêu khắc khiến xã hội thoải mái và giải tỏa cảm xúc, mang tới cho con người sức mạnh và sự can đảm để có thể tự do thể hiện bản thân, duy trì kết nối với cộng đồng, kể cả trong bốn bức tường nhà”.

 Trong suốt lịch sử loài người, không có gì tàn khốc và kinh hoàng hơn dịch bệnh. Chỉ hơn 100 ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới chao đảo. Bên ngoài là nguy cơ, con người tìm nơi trú ẩn trong từng căn nhà. Xã hội như một guồng máy, hoạt động sinh tồn ngày đêm, bỗng chốc dừng lại. Kinh tế trì trệ. Văn hoá, di sản cũng đang bị vạ lây.

Theo thống kê của UNESCO, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 quốc gia (chiếm 71%) đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đã đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản. Văn hoá di sản phi vật thể thậm chí còn tồi tệ hơn. Huỷ, hoãn tất cả các lễ hội lớn nhỏ, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng…, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của các cộng đồng dân cư ở khắp mọi nơi.

Bây giờ, hơn bao giờ hết, mọi người cần văn hóa. Và chính trong những lúc bi thương này, nghệ thuật lên tiếng.

Hơn 100 ngày qua, Việt Nam không chỉ là điểm sáng trong công tác phòng, chống đại dịch mà còn là điểm sáng của tinh thần đoàn kết, nghĩa cử nhân văn. Văn học, nghệ thuật đã đón nhận sứ mệnh cao cả đó. Ngay sau ca khúc Ghen Cô Vy ra đời, hàng loạt ca khúc khác như Việt Nam ơi! Đánh bay Covid!, Bao la những trái tim hồng, Người mẹ áo trắng”…, rồi hàng trăm tranh cổ động của các nghệ sĩ Việt Nam không chỉ kết nối sức mạnh cộng đồng mà còn tạo sức hút mạnh với truyền thông quốc tế. Tưởng chừng đại dịch đã chôn chân các nghệ sĩ trong bốn bức tường nhà nhưng không, đây là lúc đánh thức sức sáng tạo của họ. Cũng như cộng đồng và các nghệ sĩ thế giới, dù bị cô lập trong nhà và căn hộ của mình nhưng họ cùng nhau hát, chơi nhạc, khiêu vũ và thậm chí là chiếu phim từ cửa sổ và ban công, sáng tác của các nghệ sĩ Việt đã lan toả tinh thần chiến thắng, nối vòng tay lớn, lay động triệu triệu con tim.

Lay động bởi nó là nghệ thuật. Đâu phải tuyên truyền, đó là tiếng nói từ chính con tim, an ủi, kết nối mọi người.

Lay động bởi nó là cuộc đời. Nhà văn Nam Cao nói: “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối”. Không đao to, búa lớn, tất cả từ những con người thực. Từ hình ảnh trĩu nặng lo âu của người lãnh đạo cho đến hình ảnh những y, bác sĩ không quản ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Biên phòng, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch… Đời thôi, nhưng lấy đi nước mắt của biết bao nhiêu người.

Không cần các trại sáng tác, chẳng thiết các đợt vận động, nhưng sức sáng tạo của các nghệ sĩ có lẽ chưa bao giờ sung sức và thăng hoa như lúc này.

Lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận…” thì ngay lúc này đây, “anh chị em nghệ sĩ” đang là những chiến sĩ quả cảm trên mặt trận chống “giặc” Covid-19!

TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc