Văn hóa học đường

VHO- Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ việc bạo lực học đường diễn ra tại một ngôi trường quốc tế tại TP.HCM. Vụ việc càng trở nên ầm ĩ hơn khi vị phụ huynh có con bị đánh livestream trên mạng xã hội “màn đấu khẩu” với đại diện BGH, bởi vị này cho rằng nhà trường đã không có thiện chí giải quyết mâu thuẫn, thậm chí còn phủi bỏ trách nhiệm, trong khi vụ bạo lực diễn ra ngang nhiên ngay trong khuôn viên của ngôi trường quốc tế “đẳng cấp” có học phí nhiều nhiều triệu đồng…

 Vụ việc đã khiến nhiều người giật mình nhìn lại thực trạng một số ngôi trường gán mác “quốc tế” tại Việt Nam. Liệu chất lượng có đi đôi với giá cả khi không ít trường dính vào các vụ “lùm xùm”, thậm chí có trường còn tắc trách đến mức “quên” cả học sinh trên xe gây ra cái chết thương tâm cho cháu bé. Phải chăng, có một bộ phận các vị phụ huynh “sính” mác trường Tây nên gửi gắm con em mình vào đây không chỉ để được hưởng thụ môi trường học tập tốt nhất mà còn để ganh đua, hơn kém với “con nhà người ta”…

Có thể nói, vấn nạn bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Dù không phải hiện tượng mới, nhưng thời gian gần đây tình trạng này liên tục diễn ra, ngày càng bộc lộ tính chất nguy hiểm, côn đồ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đã có những học sinh dù ít tuổi nhưng đã biết “cậy quyền cậy thế” của cha mẹ để gây dựng một thế lực ngầm ngay trong lớp học, tự tôn mình là đại ca, là thủ lĩnh, có quyền bắt nạt và coi tất cả đều dưới cơ…Lý do dẫn đến bạo lực đôi khi chỉ là một ánh nhìn không thiện cảm, một vài va chạm trên đường đi học, hoặc nói xấu nhau trên mạng xã hội… Có những em bị bạn đánh, bị bắt nạt tập thể, bị kêu gọi tẩy chay đã rơi vào sợ hãi tột cùng, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát một cách đầy tiêu cực. Điều đó đã để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và nỗi ám ảnh cho toàn xã hội.

Điều đáng lo ngại là có những em chỉ chứng kiến chứ không bị bạo lực, nhưng nếu thấy những kẻ đánh bạn không bị trừng trị thì các em cũng có thể hùa theo, ủng hộ hành vi này và nhiều khả năng sẽ trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai. Đặc biệt, như nhiều chuyên gia giáo dục đã nhận định, những đứa trẻ thích bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác và đều có nguy cơ cao sử dụng chất kích thích, thậm chí ma túy…

Có thể nói, bạo lực học đường cần phải lên án mạnh mẽ và có sự chung tay của toàn xã hội để bài trừ ra khỏi cuộc sống. Nó là nỗi đau của nhiều gia đình, kể cả gia đình có con đi bắt nạt và bị bắt nạt. Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, trái với tinh thần “môi trường thân thiện, học sinh tích cực”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…. Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng.

Để hạn chế bạo lực học đường, các gia đình cần thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình con em mình, cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, đầy ắp yêu thương cho con cái. Nhà trường - đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, cần có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực. Cần tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, sinh hoạt lớp nhằm tăng tình cảm gắn kết của các em trong cùng lớp, cùng trường. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để cùng quan tâm, hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của học sinh… Và trên tất cả là tinh thần cầu thị, lối sống văn minh, biết mình biết người để các vụ bạo lực học đường dần vắng bóng dưới mái trường, không để ảnh hưởng xấu đến tâm hồn, nhân cách của các em ngay từ khi mới chập chững vào đời. 

ĐỖ CAO HUYỀN

Ý kiến bạn đọc