Vẫn còn “yêu cho roi cho vọt”
VHO- Việc một học sinh lớp 1 ở Hải Phòng phải đứng ngoài cổng trường giữa trời nắng vì... đi học sớm chưa kịp lắng xuống thìlại xuất hiện việc thầy giáo dạy thể dục bị phụ huynh tố tát học sinh đến mức phải nhập viện (ở Thanh Hóa), khiến cho dư luận bức xúc.
Những hành vi có thể nói là phản giáo dục như vậy vẫn đang xảy ra trong môi trường học đường, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn một cách hữu hiệu, làm cho tình trạng lạm dụng hình thức xử phạt của giáo viên hoặc những bạn được giao nhiệm vụ ngày càng biến tướng, khắc nghiệt, giảm đi sự yên mến, kính trọng của học sinh đối với người thầy.
Chứng kiến những hình phạt như vậy, nhiều em không khỏi hoang mang, lo lắng; những em bị phạt thì lo sợ, cóthểbỏ học, trầm cảm, năng lực học tập ngày càng sa sút. Một số em do bất mãn với các hình thức xử phạt của giáo viên về thắc mắc với phụ huynh, sau đó phụ huynh làm to chuyện như bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi; thậm chí có em còn nhờ “đầu gấu” vào trường đánh giáo viên để trả thù. Hoặc có trường hợp chính học sinh bị phạt oan đã phản kháng lại như bóp cổ cô giáo, đâm trọng thương thầy giáo… như đãxảy ra trong thời gian qua.
Thực trạng nêu trên cho thấy, hiện nay nhà trường còn lúng túng trong việc áp chuẩn để xử phạt học sinh vi phạm khuyết điểm. Nhiều giáo viên đã bột phát hành vi mang tính bạo lực, phản cảm, nóng nảy do thiếu kiềm chế và chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống nên đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần của các em; nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng khó có thể khắc phục. Khi các hành vi phản giáo dục đối với học sinh bị phát hiện, nhiều giáo viên bị kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc, có trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động… Đây thực sự là điều rất đáng tiếc!
Ở lứa tuổi học sinh, tính hiếu động, muốn thể hiện mình hoặc chưa quen với ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy chế của lớp, của nhà trường còn hạn chế hoặc ham chơi, không nghe lời cô giáo… là chuyện có thể thông cảm. Đối với những trường hợp này, giáo viên cần nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý tình huống; với những em bướng bỉnh, cá biệt trong lớp thì nên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ và phụ huynh học sinh để có hướng xử lý, giáo dục. Khi quyết định các hình thức kỷ luật, xử phạt nặng đối với các em thì cần thống nhất với phụ huynh và phải nằm trong phạm vi cho phép.
Để hạn chế tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức xử phạt đối với học sinh, ngành Giáo dục cần có quy định cụ thể về các hình thức kỷ luật, xử phạt khi học sinh vi phạm khuyết điểm. Các hình thức này phải mang tính đóng góp, xây dựng để các em tốt lên. Khi giáo viên làm sai thì phải bị xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, học sinh, phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền giám sát, phản biện và tham gia ý kiến đối với các hình thức xử phạt mà giáo viên đã áp dụng.
ĐỖ VĂN NHÂN