Uy tín và uy quyền

VHO- “Uy tín” hàm nghĩa là lòng tin, quý trọng, cảm phục; “Uy quyền” hàm nghĩa áp đặt, bắt buộc, trừng phạt… Hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng, và trong quan hệ xã hội con người đã sử dụng chúng theo nhiều cách. Nhìn chung, trong mỗi con người đều có cả hai yếu tố uy tín và uy quyền. Trong phạm vi gia đình, uy tín là sự che chở, nuôi dưỡng, thương yêu…; uy quyền là “quyền huynh, thế phụ”.

Ở ngoài xã hội, mỗi người đều có “quyền công dân”, vừa là cao nhất trên lý thuyết, vừa thấp nhất vì đó là quyền phổ cập, bằng nhau, ai cũng có. Quyền cao hơn là quản lý, lãnh đạo một nhóm người và luôn kèm theo uy tín cao hay thấp. Tuy nhiên, tạo hóa không chia đều, có người uy tín cao nhưng uy quyền thấp, có người uy quyền cao nhưng uy tín thấp. Có người cả hai đều thấp; và cũng có người cả hai mặt đều cao, hiếm vô cùng - đó là các “vĩ nhân”.

Đối với người lãnh đạo, uy tín và uy quyền là hai mặt không thể tách rời. Những người “tài cao, đức trọng” luôn biết sử dụng uy tín và uy quyền hài hòa, hiệu quả. Điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngay từ khi Đảng chưa nắm chính quyền, Người đã xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc và thu hút rất nhiều trí thức chế độ cũ đi theo cách mạng chỉ bằng uy tín của người có tinh thần yêu nước, thương dân, có trí tuệ và đạo đức cao cả. Khi đã là Chủ tịch nước, uy quyền cao nhất nhưng thời điểm chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ, Người chỉ căn dặn đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh…”. Thực chất đó là mệnh lệnh, nhưng không dùng lời lẽ của “uy quyền cứng” mà bằng “sức mạnh mềm” của uy tín. Tuy nhiên, khi phải dùng đến uy quyền, Người cũng rất nghiêm khắc, như đã ký lệnh tử hình một sĩ quan cao cấp phạm tội tham ô.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người như thế. Khi phê duyệt phương án Chiến dịch Huế - Đà Nẵng 1975, kế hoạch đề ra 5 ngày nhưng Đại tướng nói: “Chỉ được 3 ngày, vì anh là Lê Trọng Tấn nên tôi không cần ra lệnh”. Đó là mệnh lệnh quân sự của Tổng tư lệnh nhưng đã dùng uy tín nhiều hơn uy quyền.

Từ hai câu chuyện trên cho thấy phải là người có trí tuệ, tài năng và đức độ rất cao mới có thể dùng uy tín nhiều hơn uy quyền.

Đối với những người đứng đầu đơn vị, nếu hạn chế về uy tín thì họ thường phải dùng uy quyền của chức vụ để quản lý cấp dưới như đe dọa trừ lương, đuổi việc… và hệ quả là những người tốt sẽ bỏ đi nơi khác. Tệ hại hơn, họ dùng uy quyền để trục lợi, nên hầu hết các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn đều có yếu tố “lợi dụng chức quyền”. Ngược lại, nếu người có uy tín, đạo đức cao nhưng không biết sử dụng uy quyền để duy trì kỷ cương thì sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, công cuộc chống tham nhũng thực chất là tăng cường sử dụng pháp quyền.

Đối với những trí thức vừa có chức vừa có quyền thì việc xây dựng uy tín bằng năng lực nghiên cứu khoa học và gương mẫu về đạo đức quan trọng hơn nhiều so với xây dựng uy quyền bằng địa vị lãnh đạo, vì những trí thức chân chính dưới quyền họ là người quân tử thì “uy vũ bất năng khuất”. Nếu trí thức chỉ là những nhà nghiên cứu khoa học, không có chức quyền hoặc đã nghỉ hưu thì việc giữ vững uy tín chỉ có thể bằng chất lượng công trình khoa học và những phát ngôn có hàm lượng cao về trí tuệ, nhân văn, đồng thời có lối sống đạo đức. Nhưng lại có một số “trí thức” muốn nổi tiếng bằng cách phát ngôn gây sốc, chê bai đủ thứ, kể cả những thói xấu của một nhóm người nào đó, họ cũng diễn giải đó là sự xuống cấp văn hóa của cả xã hội hoặc do dân trí Việt Nam thấp hơn nước ngoài. Có lẽ, họ muốn khoe trình độ lý luận nhưng chỉ tạo được hư danh và tự làm mất “uy tín” với giới trí thức chân chính và xã hội.

Nhìn rộng ra lĩnh vực quan hệ quốc tế, ngày nay dường như việc sử dụng uy quyền về sức mạnh kinh tế và quân sự đang dần lấn át lòng tin giữa các quốc gia, nên tỷ lệ bỏ phiếu quốc tế thường phản ánh sức ép uy quyền của nước lớn. Điều đó cho thấy mâu thuẫn địa chính trị rất phức tạp, khó lường. Mối quan hệ biện chứng giữa uy tín và uy quyền không chỉ thể hiện trong quan hệ xã hội loài người mà còn với thế giới tự nhiên. Khi con người phá hoại môi trường đến mức nào đó thì sẽ bị “uy quyền” của tạo hóa trừng phạt bằng các thảm họa như bão lụt, hạn hán, động đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn…

Từ thực tế đời sống xã hội cho thấy: Cái thiện - cái ác, cái tốt - cái xấu luôn đan xen tồn tại, đòi hỏi con người phải biết sử dụng cả uy tín và uy quyền. 

 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc