Ứng xử với di sản đến thế là cùng!
VHO- Cách đây hơn hai tháng, dư luận và giới chuyên gia bức xúc khi trên các trang mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh tháp Đôi (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) và cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) trong quần thể Di tích quốc gia tháp Chăm cổ (Bình Định) bị xâm hại.
Tháp Nhạn bị xâm hại và xuống cấp
Không thể ngờ rằng, đằng đằng là cụm tháp cổ có niên đại hàng trăm năm, là di tích quốc gia mà người ta đã vô tư khoan lên tường gạch, mặt tháp, bắt vít sắt khung sắt để treo biển quảng cáo du lịch cứ như là treo quảng cáo trên cột điện, cây xanh vậy. Điều đáng trách, các cơ quan quản lý di tích ở Bình Định lại chính là những người xâm hại cụm tháp cổ nói trên.
Chỉ đến khi báo chí, trong đó có Văn Hóa lên tiếng; Bộ VHTTDL có ý kiến chính thức thì cơ quan chức năng tỉnh Bình Định mới tiến hành sửa sai, cho tháo dỡ hệ thống sắt thép khoan đục vào tháp Đôi và tháp Bánh Ít.
Bài học về Di tích quốc gia tháp Đôi, tháp Bánh Ít (Bình Định) vẫn còn nguyên đấy. Thế nhưng, không hiểu sao, như Văn Hóa số này phản ánh, Di tích quốc gia đặc biệt tháp Nhạn (Phú Yên) cũng bị xâm hại tương tự; và thật ngạc nhiên, một đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý di tích ở Phú Yên cũng chính lại là người xâm phạm di tích!
Một năm trước đây, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) cũng bị xâm phạm nghiêm trọng khi Công ty cổ phần Du lịch Tràng An đã cho xây dựng một công trình trái phép trên núi Cái Hạ, sau đó đã đưa vào hoạt động bán vé tham quan. Khi báo chí lên tiếng, đoàn kiểm tra Bộ VHTTDL vào cuộc và sau đó yêu cầu tỉnh Ninh Bình phải tháo dỡ toàn bộ công trình bậc thang lên núi Huyền Vũ thì vụ việc mới tạm lắng xuống.
Vụ việc tạm lắng xuống nhưng vết thương vẫn còn nguyên đó. Như một chuyên gia cho rằng, cụm từ “trả lại nguyên trạng cho di sản” cũng chỉ là cách nói cho vui vậy thôi. Làm sao nguyên trạng được khi cây cầu dài cả nghìn mét đâm xuyên lõi di sản hỗn hợp Tràng An bị khoan, đục, cắm cọc vào núi đá vôi vốn rất giòn và dễ nứt nẻ, rồi sau đó khắc phục cũng lại bị đục, phá như một công xưởng khổng lồ. Hai lần bầm lên, dập xuống, di tích quốc gia còn gì?
Đành rằng quy mô, tính chất và bản chất của vụ việc xâm phạm Di tích quốc gia tháp Đôi, tháp Bánh Ít; Di tích quốc gia đặc biệt tháp Nhạn hoàn toàn khác với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, nhưng hậu quả mà nó để lại tương tự: Xâm phạm nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của di sản.
Sai phạm trong quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, quần thể di tích tháp Chăm cổ rồi cũng đã được khắc phục. Thôi thì ơn Trời, hy vọng vết sẹo di sản sẽ giảm dần theo mưa nắng thời gian. Thế còn Di tích quốc gia đặc biệt tháp Nhạn?
Thật bất ngờ, cái cách mà cơ quan chức năng Phú Yên khắc phục, sửa sai là cho tháo dỡ những tấm biển quảng cáo, thế nhưng các lỗ khoan đục, đóng đinh sắt, vít sắt… thì vẫn còn nguyên trên tường tháp!
Một kiểu khắc phục lạ lùng, chỉ là làm cho nó có, đối phó với dư luận; không quan tâm và cũng không cần biết di sản bị xâm phạm như thế nào, cho dù đó là di tích quốc gia đặc biệt.
Thật đáng trách khi các cơ quan quản lý di tích lại chính là những người xâm hại di tích. Càng đáng trách hơn khi thờ ơ, thiếu trách nhiệm, biết sai mà không chịu sửa sai đến cùng.
Ứng xử với di sản đến thế là cùng!
PHAN THANH NAM