Tục đốt vàng mã và cách báo hiếu của người Việt
VHO- Đạo hiếu có thể được xem như một trong những đặc điểm văn hóa đặc biệt của người Việt. Cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy - Lễ Vu lan về. Mọi người lại cùng nhau hướng về việc báo hiếu với những người đã khuất. Cùng với việc báo hiếu, tục đốt vàng mã được xem như một hành vi “nhất thiết phải có” trong mỗi dịp lễ này. Tuy nhiên, đốt vàng mã và câu chuyện trần sao âm vậy trong ngày lễ Vu lan lại là câu chuyện ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội.
Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Sử dụng như những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Gần đây, chúng ta bắt gặp nhiều trên thị trường những mặt hàng vàng mã mà nhiều năm trước đây chưa từng xuất hiện như bikini, giày cao gót, điện thoại, iPad, nhà lầu xe hơi, thậm chí cả ô sin bằng mã..., được sử dụng để “gửi” cho người đã khuất. Sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã biến tướng này suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng từ nhận thức coi “trần sao, âm vậy”. Thực tế này một phần thể hiện sự phát triển của đời sống kinh tế, mặt khác cũng cho thấy thực trạng vàng mã bị lạm dụng, biến tướng.
Tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh của thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của chính mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên đã khuất là một điều có thể thể hiểu được. Để việc tuyên truyền, khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng vàng mã tràn lan đạt hiệu quả, tôi cho rằng cần nhìn nhận lại gốc rễ của tập tục này. Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm, một cách thức để con người bày tỏ hiếu đễ đối với tổ tiên và thần linh. Tuy vậy, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, nó tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc; Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan; Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã; Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên các cơ quan quản lý của ngành văn hóa đều ý thức rằng việc cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã là không khả thi. Chính vì vậy, ngoài biện pháp vận động nhân dân hạn chế sử dụng vàng mã, những nỗ lực của ngành là hướng vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã ở đúng nơi, đúng chỗ. Tôi cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, việc làm gương của các cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và tất cả người dân, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh, để ngày lễ Vu lan thực sự là ngày lễ của những tấm lòng thành đối với tổ tiên, không vướng bụi trần!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN