Từ việc một người bệnh được chi trả 38,3 tỉ đồng
VHO- Câu chuyện anh Phan Hữu N, 37 tuổi, mới rời Bệnh viện Chợ Rẫy vào trung tuần tháng 4 vừa qua sau 11 năm điều trị nhiễm trùng do bệnh đông máu Hemophilia A thực sự khiến dư luận quan tâm, chú ý. Bởi sau chừng ấy năm nằm viện điều trị anh N được bảo hiểm y tế chi trả viện phí lên tới 38,3 tỉ đồng.
Qua câu chuyện này có thể khẳng định chính sách an sinh xã hội, cụ thể ở đây là chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước rất nhân văn, ưu việt, tất cả đều hướng về người dân. Bởi lẽ số tiền mà người tham gia bảo hiểm y tế phải đóng hằng năm không quá lớn nhưng lợi ích mà nó mang lại thì rất rõ, rất lớn. Đặc biệt, hiện nay hằng năm ngân sách nhà nước bỏ ra số tiền khá lớn để hỗ trợ cho nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, rất nhiều đối tượng được miễn, giảm khi mua bảo hiểm y tế như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...
Thực tế trong những năm qua nhiều người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được chi trả viện phí, chi phí điều trị lên đến hàng chục tỉ đồng là bình thường, đương nhiên ở đây đang nói đến những trường hợp chính đáng chứ không phải “khám chui”, “nằm chui” để được hưởng. Có thể thấy rằng nhiều trường hợp người bệnh nếu không có bảo hiểm y tế thì rất khó qua khỏi vì mức viện phí rất lớn, vượt khả năng chi trả của họ và gia đình. Những người này chỉ có thể nhờ vào bảo hiểm y tế mới có thể tiếp tục điều trị, kéo dài sự sống, thậm chí có người được chăm sóc, điều trị chu đáo hàng chục năm trời trong bệnh viện cho đến khi khỏi bệnh. Không những giảm bớt gánh nặng về tiền bạc, việc có bảo hiểm y tế cũng giúp người nhà bệnh nhân đỡ bớt vất vả, đi lại thăm nom, chăm sóc túc trực, thường xuyên.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân về những lợi ích thiết thực khi tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi giá các dịch vụ y tế, thuốc men, chi phí điều trị... đều tăng rất cao, nếu không phải là người khá giả thì khó đảm bảo khả năng chi trả khi lỡ mắc phải bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, cả xã hội cùng chung tay, góp sức cũng như vận động, huy động các nguồn lực khác như xã hội hóa, phong trào nhân đạo, từ thiện để mọi người dân đều có thể tiếp cận, tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Làm thế nào để người dân ý thức được việc mua bảo hiểm y tế là nhằm bảo đảm quyền, lợi ích cho chính mình và gia đình chứ không phải là nghĩa vụ đối với Nhà nước, xã hội!
THS PHẠM VĂN CHUNG