Trách nhiệm với “ban đêm” và “trong bóng tối”

VHO- Đã qua mấy ngày kể từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhưng người viết vẫn bị những con số ấy ám ảnh không dứt: Từ ngày 1.1.2015 đến 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ với 8.709 trẻ bị xâm hại.

Trong đó thì số trẻ bị xâm hại tình dục là 6.432 em (chiếm tới 75,4%); bạo lực 857 em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt 106 em; các hình thức khác là 1.314 em... Những con số hãi hùng đó vẫn chưa dừng lại, nghĩa là nó chỉ phản ánh ở bề nổi, bởi theo báo cáo nhận định, số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý (nêu trong các báo cáo) là chưa phải con số đầy đủ trên thực tế.

 Từ sự ám ảnh trên nó lại lây sang sự day dứt khác khó có thể “buông bỏ”, đó là ý kiến của người đứng đầu ngành LĐ,TB&XH khi giải thích rằng, cơ quan quản lý nhà nước rất khó làm hết việc trong công tác bảo vệ trẻ em, vì “quản lý thì ban ngày nhưng việc lại xảy ra ban đêm và trong bóng tối”. Đúng là, quản lý thì chỉ ban ngày vì trong một ngày cán bộ, công chức, người lao động chỉ làm việc trong tám tiếng. Dẫu là vậy đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể không quản lý ở không gian, thời gian “ban đêm” và trong “bóng tối”. Bởi nếu đúng đó là “lỗ hổng” cho những kẻ ác nhân ra tay hành động, làm vẩn đục tâm hồn tuổi thơ thì phải có biện pháp ngăn chặn, bịt chặt... Và nếu chỉ quản lý “ban ngày” mà quên lãng “ban đêm, bóng tối” hoặc xem nhẹ “khoảng trống” ấy thì nguy cơ trẻ bị xâm hại có thể diễn biến khôn lường hơn rất nhiều.

Cũng chính vì thế mà tại phiên thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em hôm 27.4 vừa qua, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay, rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em chính quyền chỉ biết khi đã được đưa lên công luận, báo chí và ông đề nghị “làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương”. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chuyên đề này của Quốc hội, việc để trẻ em bị xâm hại trong gia đình, trường học và cả trung tâm bảo trợ trẻ em, những nơi yên bình và phải bảo vệ trẻ em, là vấn đề vô cùng nhức nhối. Trách nhiệm này là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, ngay cả gia đình, thầy cô giáo, người có trách nhiệm cũng chưa thực sự sâu sắc, đầy đủ. Và Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng bày tỏ tán thành việc xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.

Hy vọng, với giải pháp “làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương”, “người đứng đầu cơ quan, đơn vị” theo hướng xử lý nghiêm, tình trạng xâm hại trẻ em sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, và “những búp trên cành” sẽ được ngon giấc trong ngay cả ban đêm và trong bóng tối.

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc