Trách nhiệm và danh dự, nặng như đá hay nhẹ như phao?

VHO- Khi nói về đạo đức công chức, hay phẩm chất đảng viên trước hết là nói về “tinh thần trách nhiệm và danh dự” đối với nhiệm vụ được giao và với nhân dân. Tất cả những người được đề bạt lên chức vụ cao hơn khi phát biểu nhận chức cũng đều nói đó là “trách nhiệm nặng nề”, sau đó mới nói đó là vinh dự. Hầu như không ai nói đến danh lợi, điều đó đã trở thành “công thức” bất thành văn. Nhưng đối với những người có yếu tố “chạy chức, chạy quyền” thì trong các bữa tiệc ăn mừng được thăng quan, tiến chức, những lời chúc tụng luôn hàm nghĩa danh lợi và không nhắc đến trách nhiệm vào lúc đó.

Có chức, có quyền, đương nhiên là phải kèm theo trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi. Nếu hai vế đó cân bằng, tức là chức vụ cao, trách nhiệm nặng, công việc nhiều, cống hiến lớn, thì phải được hưởng lương cao - đó là sự công bằng. Nhưng trên thực tế còn có những trường hợp khác như năng lực và tinh thần trách nhiệm thấp hơn chức vụ, và ngược lại tinh thần trách nhiệm cao hơn chức vụ.

Một vị quan chức đã nói “nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Đối với trường hợp: Năng lực và tinh thần trách nhiệm thấp hơn chức vụ thì khả năng mắc sai lầm sẽ cao hơn và khi sai lầm thì họ dùng trách nhiệm và danh dự như chiếc “phao cứu sinh”. Mặc dù sai lầm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước nhưng họ chỉ cần tuyên bố “tôi xin nhận trách nhiệm về việc này và hứa sẽ khắc phục”, thế là xong. Như chưa hề có gì xảy ra và việc khắc phục thế nào thì nhân dân cũng không được biết. Vì thế mới dẫn đến tình trạng hàng chục năm không giải quyết xong đơn thư khiếu nại, không khắc phục được ô nhiễm, thiếu nước ngọt, đường sá hư hỏng... ở nhiều khu dân cư.

Những người có tinh thần trách nhiệm và danh dự cao hơn chức vụ thì luôn thấy trách nhiệm rất nặng nề vì nếu không làm tốt, hoặc mắc sai lầm sẽ làm thiệt hại cho dân, cho nước. Đồng thời tổn hại danh dự cá nhân nên họ sẽ từ chức vì lòng tự trọng. Nhưng trên thực tế điều đó rất ít xảy ra vì cách nhìn và định kiến của xã hội Việt Nam vẫn coi từ chức giống như bị sa thải vì kém năng lực hay vi phạm đạo đức mà không nhìn từ khía cạnh lòng tự trọng. Còn ở phương Tây, quan chức của họ từ chức nhiều hơn ở Việt Nam. Nhưng cũng không phải là ai cũng vì lòng tự trọng mà phần nhiều do áp lực của phe đối lập, của báo chí, truyền thông và sự cạnh tranh phiếu bầu với các đảng khác.

Trong nhà nước pháp quyền XHCN, mọi người và mọi tổ chức xã hội đều bình đẳng trước pháp luật thì bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào làm tổn hại đến tài sản hay tiền đóng thuế của dân đều phải bồi thường. Bất kể đó là tham nhũng hay sai lầm, lãng phí - đó là “công bằng xã hội”. Chính vì thế mà ngày nay, nghị quyết của Đảng đã nêu rõ: Trong công cuộc chống tham nhũng phải bao gồm cả chống tiêu cực - tức là chống những hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả lớn, đồng thời đưa “văn hóa từ chức” vào công tác xây dựng Đảng. Do đó nếu “nhận lỗi” chỉ là công khai tuyên bố “nhận trách nhiệm...” mà không phải đền bù thiệt hại hay phải từ chức thì người ta sẽ vẫn dùng cách đó để làm “phao cứu sinh” mỗi khi mắc sai lầm do thiếu năng lực và trách nhiệm. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc