Tiền không còn là phép thử?
VHO- Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ trăn trở trước thực trạng đạo đức xuống cấp và lối sống vô cảm, thực dụng đang tồn tại như một xu hướng trong xã hội hiện đại; chúng ta cũng từng rất tiêu cực trước những hình ảnh xấu xí khi cả một biển người lao vào "hôi" bia bất chấp sự gào xin của tài xế, thậm chí còn có cả xế hộp loại sang dừng phắt giữa đường, giằng co với người phụ nữ bán rong để giật bằng được chùm vải ném vào xe; và chúng ta thậm chí từ lo lắng tới mất niềm tin vào cuộc sống khi những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà thủ phạm chính người thân, ruột thịt xảy ra ngày một nhiều...
Tuy nhiên, những điều “u ám” đó thời gian gần đây đã bị che mờ bởi những hành động đẹp đẽ “nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất”, không chỉ lâu lâu mới thấy mà liên tục xuất hiện, điều đáng nói, phần lớn trong số những gương sáng điển hình đó là những người dân nghèo, thậm chí rất nghèo, ở diện phải nhận cứu trợ của xã hội. Thật đáng mừng khi cuộc sống đầy éo le đã không phủ lấp được nhân cách của họ, hoàn cảnh khó khăn không khiến họ trở lên tham lam, lấy những thứ không phải của mình.
Trước một tài sản lớn bỗng dưng “từ trên trời rơi xuống”, hẳn ai cũng ít nhiều lăn tăn suy nghĩ xem có nên giữ lại cho riêng mình hay không? Nhưng vượt lên sự ích kỷ “bình thường” đó, nhiều người quyết định trả lại cho người đã mất, bởi suy nghĩ đơn giản “khi chủ nhân nhận lại được tài sản đã mất chắc họ sẽ vui lắm!”. Sáng qua, 10.11, báo chí đưa tin về việc em Dương Anh Đức (18 tuổi, quê Vĩnh Long, hành nghề xe ôm công nghệ) nhặt được chiếc điện thoại Vertu giá trị hàng trăm triệu đồng. Biết đây là tài sản có giá trị rất lớn mà một người lao động nghèo chắc chắn không bao giờ mua nổi, nhưng Đức đã tìm mọi cách để trả lại tài sản cho người đánh mất và em cũng nói luôn là không cần trả ơn hay hậu tạ gì cả.
Cách đây không lâu, chúng ta đã từng cảm phục trước hành động đẹp và đầy bản lĩnh của những người dân nghèo miền Trung. Trong bối cảnh bão lũ liên tục đổ xuống khiến nhiều người mất trắng tài sản bao năm chắt chiu, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, cả nước đã hướng về nơi đây với tấm lòng thiện nguyện, sẻ chia và trong số nhu yếu phẩm ủng hộ có những manh quần tấm áo lành lặn đã được giặt giũ thơm tho, sạch sẽ. Và đã có sự việc hy hữu xảy ra, khi trong quần áo cứu trợ đó có những tài sản lớn như vàng, tiền lên tới cả chục triệu đồng. Đó là ông Hồ Văn A Tia (Quảng Trị), bàng hoàng khi thấy 10 triệu đồng gói trong tấm áo cũ, ông đã mang toàn bộ số tiền gửi cho cán bộ Đồn biên phòng Pa Tầng nhờ trao lại cho chủ của nó; là anh Đào Xuân Minh (Hà Tĩnh) tìm thấy 2 chỉ vàng để quên trong túi áo và mũ sơ sinh, đã nhờ ngay chính quyền địa phương thông tin rộng rãi để chủ nhân biết, liên hệ nhận lại vàng đã bỏ quên.
Những con người đang trong cơn bĩ cực đến tận cùng vẫn thể hiện nhân cách và lòng tự trọng sáng ngời. Họ lập tức đăng tin, liên lạc tìm chủ nhân của món tài sản để trả lại như một việc tất yếu phải làm. Chúng ta trân trọng và cảm phục họ, từ người dân gặp hoạn nạn trong thiên tai, tới các chị, các bà đi nhặt rác, bạn trẻ chạy xe ôm cho đến những em nhỏ còn ngồi trên ghế nhà trường, hành động ngoảnh mặt đi và nói lời từ chối trước “cả đống tiền” của họ thực sự là Bản lĩnh!
Người Nhật có câu: “Không được làm chuyện xấu vì nghĩ không ai biết, bất cứ lúc nào bạn cũng bị theo dõi vì ánh Mặt trời luôn chiếu vào bạn” để dạy mọi đứa trẻ từ khi còn nhỏ. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên giáo dục con trẻ theo tư tưởng nhân văn đó, bởi nó không chỉ giúp cho một con người lớn lên có nhân cách trung thực, mà còn là nền tảng của một xã hội phát triển, bình an, hạnh phúc.
ĐỖ CAO HUYỀN