Thấy rõ hơn thông điệp về văn hóa

VHO- Văn hóa luôn được xem là sức mạnh của một dân tộc. Văn hóa còn, đất nước còn! Mất văn hóa là mất tất cả! Khi Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, thêm một lần nữa, Bác nhấn mạnh vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, ngay cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn, không phải lúc nào, ở đâu, với ai, chúng ta cũng hiểu đúng và làm đúng như những gì Bác đã căn dặn.

Thấy rõ hơn thông điệp về văn hóa - Anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương

Thực tế phát triển đất nước những năm vừa qua cho chúng ta thấy một kinh nghiệm mới về phát triển văn hóa trong quá trình xây dựng đất nước. Trong những giai đoạn đất nước khó khăn, ưu tiên phát triển kinh tế có lẽ là điều gì đó không thể bàn cãi.

 Tôi rất thích thú với lý thuyết về thang nhu cầu của Maslow, trong đó nhấn mạnh đến nấc thang đầu tiên chính là nhu cầu sống căn bản của con người. Karl Marx cũng từng nói: “Con người muốn sống, trước hết cần ăn, có mặc, có chỗ ở”.

Chính vì thế sẽ chẳng có sai lầm gì nếu chúng ta không ưu tiên cho phát triển kinh tế để giải quyết những vấn đề trước mắt, bức xúc gần nhất (và trên thực tế, lịch sử phát triển của các quốc gia đều trải qua giai đoạn này). Tuy nhiên, kinh tế luôn là phương tiện, không phải là mục đích của sự phát triển xã hội. Chính vì thế, cùng với sự phát triển đất nước, khi những nhu cầu kinh tế dần được thoả mãn, chúng ta sẽ nghĩ đến những vấn đề mang tính căn cốt và bền vững hơn: Đó chính là văn hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước chính là sự cụ thể hoá của quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo đúng quy luật này.

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, trong Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế. Điều này một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ về một tầm nhìn dài hạn trong việc phát triển bền vững đất nước, ở đó văn hóa cùng với các vấn đề xã hội và môi trường được đặt vào trọng tâm trong các ưu tiên phát triển.

Đạo đức xã hội là hạt nhân của văn hóa. Trong những năm vừa qua, những trường hợp đạo đức xuống cấp khiến chúng ta đau lòng, trong đó rất nhiều vấn đề xuất phát từ lý do kinh tế. Phát triển kinh tế cần phải trở thành đòn bẩy, phương tiện cho sự phát triển văn hóa, chứ không phải là mục đích cuối cùng của sự phát triển xã hội. Và cũng cần lưu ý, văn hóa có sự độc lập tương đối, tác động ngược trở lại đối với sự phát triển kinh tế. Để có được sự phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần có sự phát triển hài hoà giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó văn hóa, con người cần được đặt ở vị trí trung tâm.

Và một lần nữa, qua phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta thấy rõ hơn thông điệp về văn hóa trong tinh thần kiến tạo và vì dân từ phương châm hành động của Chính phủ trước thềm năm mới 2020.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc