Tháng 7, mùa Vu lan...

VHO- Và tháng 7 này, sau an cư kiết hạ, những vị sư tăng đầu tiên ở phía Bắc đã tình nguyện lên đường, trở thành những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Trong cuộc chiến không khói súng với “kẻ thù vô hình”, họ đã noi gương các bậc Tổ Đức năm xưa, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới tăng ni, phật tử khi ấy đã dấy lên phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”.

Tháng 7, mùa Vu lan đã về trên mọi miền Tổ quốc. 
Tháng 7, mùa Báo ân cho hương linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã về khiến những người con Phật bồi hồi quay tâm thức trở lại cội nguồn. 
Tháng 7, mùa Cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn trên khắp dải đất hình chữ S trải qua nhiều cuộc chiến đau thương đã lại trở về... 
Tháng 7 này, khác với mọi tháng 7, đó là khắp các tự viện, cơ sở Phật giáo và trong mỗi gia đình phật tử đều thành tâm hồi hướng cho những nạn nhân đã thiệt mạng trong đại dịch Covid-19, nguyện cầu cho dịch bệnh tiêu trừ, thế giới bình an, người người, nhà nhà ấm no, an lạc... 
 Và tháng 7 này, sau an cư kiết hạ, những vị sư tăng đầu tiên ở phía Bắc đã tình nguyện lên đường, trở thành những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Trong cuộc chiến không khói súng với “kẻ thù vô hình”, họ đã noi gương các bậc Tổ Đức năm xưa, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới tăng ni, phật tử khi ấy đã dấy lên phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Tiêu biểu cho phong trào đó là sự kiện 27 nhà sư đã thành lập “Trung đội Phật tử” ngày 27.2.1947 tại chùa Cổ Lễ (Nam Định). Còn nay, đã có hàng trăm sư tăng viết tâm thư xung phong đi vào tâm dịch, tình nguyện “cởi áo cà sa, khoác áo blouse” để hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến cứu chữa cho bệnh nhân mắc Covid-19. Sự tận hiến ấy là minh chứng sinh động cho truyền thống Phật giáo Việt Nam: Đồng hành và nhập thế cùng dân tộc; từ bi bác ái nhưng cũng rất kiên quyết trong việc loại trừ những tai ương ra khỏi cuộc sống cộng đồng.
Đã hai mùa Vu lan diễn ra trong dịch bệnh. Năm 2020, chúng ta thực hiện lễ Đại lễ cầu siêu trực tuyến rất thành công với đủ đầy sự trang nghiêm, thành kính. Năm nay, dịch bệnh diễn biến khó lường suốt nhiều tháng qua nên một lần nữa những người con Phật lại không thể tề tựu về dưới những mái nhà chung. Nhưng hình ảnh những vị sư tăng lăn xả trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly không nề hà bất kỳ một công việc nào; những ni sư cần mẫn làm từng lọ muối sả gửi cho đồng bào miền Nam, chăm bẵm từng cây rau xanh, trái cây chín gửi vào tâm dịch, rồi huy động sức người sức của để mua vật tư y tế, nấu từng bữa cơm chay nóng hổi giúp đỡ đồng bào khó khăn, yếu thế… Những hình ảnh đó khiến chúng ta rưng rưng nước mắt, và nhận thấy rằng, dù không thể thực hiện theo nghi thức truyền thống thì Vu lan này cũng không hề thiếu đi ý nghĩa, mà ngược lại, tất cả những điều đó đã góp phần làm nên một mùa Vu lan đặc biệt và lan tỏa những giá trị tinh thần vô giá trong giai đoạn cam go này. 

ĐỖ CAO HUYỀN
 

Ý kiến bạn đọc