Tất cả đã đủ thấy sự cần thiết...

VHO- Vậy là cuốn “Từ điển chính tả”... sai chính tả đã chính thức bị nhà xuất bản thu hồi, và cũng từ câu chuyện này, giới chuyên gia trong ngành ngôn ngữ đã có những ý kiến đề xuất theo hướng cần tạo hành lang pháp lý ở mức cao nhất nhằm bảo vệ tiếng Việt. Mới đây nhất, trả lời báo chí, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, Hiến pháp 2013 đã khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, vì thế vấn đề này gần đây đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ra và đã có những thảo luận với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 “Tôi nghĩ Việt Nam sẽ có Luật tiếng Việt trong thời gian tới. Dĩ nhiên, quy trình để có nó không hề đơn giản. Nhưng ngay cả khi có Luật tiếng Việt, bộ luật này không thể “cầm tay chỉ việc” cho tất cả những trường hợp sử dụng cụ thể của tiếng Việt, mà chỉ có thể nêu ra những quy định chung, trong đó có những quy định chung về chính tả và chuẩn chính tả...”, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh. Thật ra, câu chuyện đề xuất xây dựng một bộ luật về ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt cũng đã được “xới xáo”, thậm chí có người đề xuất bằng văn bản với một cơ quan của Quốc hội. Nhưng sau đó, chắc là do có nhiều bộ luật đang cần thiết hơn cho đời sống nên việc đề xuất đó chưa thực sự “cấp thiết”.

Cách đây chừng tám, chín năm, bên hành lang Quốc hội chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với Nhà sử học Dương Trung Quốc, người đã nung nấu về ý tưởng xây dựng Bộ luật Ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt từ lâu. Chia sẻ với chúng tôi tại thời điểm đó, ông Quốc cho biết, “theo tôi được biết thì ý tưởng làm Bộ luật này hình như cũng đã được một số vị tiền nhiệm của tôi đề cập, nhưng đúng là đến thời điểm này chưa ai chính thức đề xuất để thực hiện theo quy trình như luật định, cho nên có thể nói là bây giờ mới khởi xướng”. Trong lần trao đổi này, chúng tôi đã có bài phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc. Nhận thấy đây là vấn đề còn đương tính thời sự nên xin được dẫn ra ý kiến của ông: “Đúng là rất nhiều lĩnh vực còn cần phải có luật, nhưng cái gì thấy cần thì cũng phải khởi động bắt tay vào chứ không chỉ chờ đợi. Chỉ cần nhắc tới một số hiện tượng đang diễn ra trong đời sống xã hội, ví như ngày càng ít người hiểu những chữ viết trên đình, chùa hay các văn bản thư tịch cổ là chữ Hán hay chữ Nôm, là quốc tự chính thống của dân tộc ta sử dụng trong một thời gian lịch sử dài gấp nhiều lần chữ Quốc ngữ mà hiện ta đang sử dụng và nên ứng xử với di sản ấy như thế nào? Chính sách đối với các ngôn ngữ , nhất là ngôn ngữ viết của các dân tộc thành phần và tương quan của nó đối với tiếng Việt (được coi là phổ thông) trong giáo dục học đường và sử dụng ngoài xã hội? Ứng xử ra sao với sự phát triển ngôn ngữ trong giao tiếp tạo nên những phong cách, từ vựng, cú pháp hay thành ngữ mới, kể cả tiếng “lóng”? Việc phiên âm thế nào cho chuẩn với các ngôn ngữ nước ngoài mà chúng ta tiếp cận ngày càng phong phú; và ngay cả quan niệm như thế nào cho đúng đối với mục tiêu “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”?

Thiết kế hay lựa chọn mẫu chữ viết dạy cho học sinh như thế nào là chuẩn sau mấy lần “cải cách” có chiều hướng “thụt lùi”? Tương lai “chữ nghĩa” nước ta sẽ như thế nào trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin cùng với “ngôn ngữ mạng”? Hoặc như gần đây, việc các nhà hành pháp lẫn lộn giữa các khái niệm “thuế”, “phí” và “phạt” dẫn đến những chính sách chưa ban ra đã bị dư luận xã hội phản ứng... Tất cả đủ thấy sự cần thiết phải sớm có Bộ luật này. Vấn đề không phải chỉ là sự cần thiết mà là có làm được hay không. Vì thế, cứ phải bắt tay vào việc đã...”.

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc