Sao vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”?
VHO- Cách đây chín tháng, Văn Hóa đã phản ánh Sở Du lịch Ninh Bình phát đi thông báo 20 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch (homestay) trái phép trong vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và đề nghị khách du lịch không sử dụng dịch vụ lưu trú tại các cơ sở kinh doanh này.
Một homestay kiêm nhà hàng xây dựng sát núi trong vùng lõi di sản
Những tưởng cùng với việc phát đi khuyến cáo của Sở Du lịch Ninh Bình, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, sự việc đã được giải quyết triệt để. Thế nhưng…
Thế nhưng cho đến nay, sau gần một năm trôi qua, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trái phép như “đá”, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thách thức thời gian và dư luận.
Trả lời Văn Hóa qua điện thoại trưa qua 13.10, ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, cùng với việc khuyến cáo để đảm bảo an toàn và quyền lợi của khách du lịch, Sở này cũng đã có rất nhiều văn bản khuyến cáo UBND huyện Hoa Lư và Gia Viễn. Còn ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, là địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trái phép cho biết, xã đã xử phạt nghiêm, xử phạt rất nhiều nhưng các hộ vẫn tiếp tục hoạt động.
Được biết, không chỉ chính quyền xã Ninh Hải, trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư cũng đã vào cuộc và cũng “xử phạt nghiêm, xử phạt rất nhiều”. Mới đây, ngày 7.8.2019, Đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện Hoa Lư đã lập biên bản số 19/BB-VPHC xử phạt vi phạm hành chính 33 homestay vì “hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sau khi đã thông báo (Thông báo số 12 TB - ĐKKD ngày 14.3.2019 của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Ninh Bình về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An theo Quyết định số 230/ QĐ-TTg ngày 4.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình), đồng thời yêu cầu chấm dứt hoạt động”.
Thế nhưng tất cả như “bèo dạt mây trôi”. “Xử phạt nghiêm, xử phạt nhiều” nhưng các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trái phép hằng ngày vẫn mở cửa đón du khách như không hề có chuyện gì xảy ra. Và không chỉ 20 mà có đến 33 homestay hoạt động trái phép, vi phạm Luật Di sản Văn hóa, không thực hiện đúng Quyết định số 230 của Thủ tướng Chính phủ. Rõ ràng, “nghiêm” mà vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục “mọc lên như nấm sau mưa” thì không thể nói là nghiêm được. Phạt chưa đủ “đô”, bị “lờn thuốc” hay các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư bất lực?
Có lẽ cả hai.
Vẫn biết đây là mô hình kinh doanh gia đình được xây dựng và phát triển trên diện tích đất sở hữu hợp pháp của các hộ gia đình ở vùng lõi, từng được Sở KH&ĐT Ninh Bình cấp phép kinh doanh trước khi bị rút lại giấy phép; vẫn biết các hộ bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư và còn nhiều vướng mắc khác nữa… Thế nhưng vì lợi ích chung thì không thể không giải quyết và phải giải quyết triệt để, dứt điểm chứ không thể dừng lại ở mức độ khuyến cáo hoặc xử phạt nửa vời, “phạt cho tồn tại” như đang diễn ra hiện nay.
Đành rằng bảo tồn di sản văn hóa phải gắn với phát triển du lịch, trong đó người dân phải được hưởng lợi thật sự. Nhưng đó phải là sự gắn kết cộng sinh, hài hòa, bền vững chứ không thể bất chấp tất cả. Chúng ta từng tự hào Tràng An là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam. Và trên thực tế, sau sáu năm được UNESCO công nhận, Tràng An đã góp một phần không nhỏ trong việc tăng tốc của du lịch tỉnh Ninh Bình. Thế nhưng bản thân di sản cũng đã phải trả giá, bị bầm lên, dập xuống với công trình xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ và tiếp đó là các homestay trong vùng lõi di sản.
Năm tới Ninh Bình được chọn là địa phương tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Chắc chắn “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” sẽ tạo được sự bứt phá trong khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó không thể không giải quyết dứt điểm, ổn thỏa những tồn tại đang gây bức xúc trong dư luận.
PHAN THANH NAM