Nỗi lo thường trực
VHO- Không thể tin được vì chỉ trong mấy ngày qua, tại nhiều địa phương đã liên tục xảy ra những vụ đuối nước hết sức thương tâm mà nạn nhân đều là các em nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong đó có vụ có đến 4 thậm chí là 6 nạn nhân khiến cho dư luận hết sức bàng hoàng, đau xót. Cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng đau thương này vẫn đang là vấn đề được đặt đi đặt lại trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng?
Dù không muốn nhắc lại nhưng người viết buộc phải kể ra để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường cần đặc biệt chú ý khi một mùa hè lại sắp đến
Chiều 23.4, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm biển thuộc địa phận thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và không may bị sóng lớn cuốn trôi 4 em. Đến thời điểm này mới tìm được đủ thi thể các nạn nhân. Chiều ngày 24.4, một cháu nhỏ được người thân đưa đến hồ bơi Sơn Thủy (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) nhưng cháu bé đã bị đuối nước, tử vong. Trước đó, chiều 18.4, nhóm 8 học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh) đến bãi biển Bãi Dài nô đùa, không may 4 em bị sóng cuốn mất tích. Phải hơn một ngày sau, thi thể nạn nhân cuối cùng mới được tìm thấy.
Cũng trong tháng 4, có ba cháu bé đều đang học tại Trường Mầm non Sông Ray (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), sau khi tan học các cháu tha thẩn chơi với nhau quanh nhà. Đến chiều muộn, các phụ huynh không thấy con cháu đâu mới tá hỏa đi tìm và phát hiện các cháu tử vong dưới ao nước tưới cà phê sau nhà. Chưa hết, chiều 11.4, một cháu bé 6 tuổi được người thân cho đến khu hồ bơi - cà phê Hoàng Quân thuộc xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ). Chỉ nhãng đi một lúc, cháu bé đã bị đuối nước tại khu vực hồ bơi dành cho người lớn…
Có thể nói, tai nạn đuối nước trẻ em chưa bao giờ là hết “nóng”. Mặc dù công tác phòng, chống tai nạn đuối nước luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, nhưng nó vẫn cứ “đến hẹn lại lên”. Theo thống kê, tỷ lệ đuối nước trẻ em ở nước ta cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Một con số biết nói thật xót xa! Các em đang ở lứa tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành. Trong khi đó, không ít các bậc cha mẹ, người thân, người chăm sóc còn lơ là, chủ quan, không giám sát trẻ nên rất dễ dẫn đến tai nạn. Một yếu tố nữa là do môi trường sống của trẻ còn quá nhiều yếu tố nguy hiểm rình rập. Vì thế, dù năm nào chúng ta cũng cảnh báo, cũng khuyến cáo, cũng tuyên truyền… nhưng sự thật là rủi ro vẫn treo lửng lơ trên đầu những đưa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới.
Cần phải làm gì hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này? Câu hỏi vẫn đang tiếp tục chờ lời giải… Nhưng có lẽ, thay vì chỉ ngồi đợi, tất cả chúng ta cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở và đặc biệt là giáo dục phổ cập bơi an toàn và kỹ năng cứu đuối nước cho trẻ. Và cũng cần thiết nhắc lại ở đây, chính quyền địa phương phải đề cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn, phòng ngừa bằng những biện pháp cụ thể như rà soát, sửa chữa, cắm biển báo tại những điểm thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; làm rào chắn tại ao hồ, lấp hố nước, đậy nắp giếng… tạo cho trẻ thói quen sử dụng áo phao, phao bơi khi tắm biển, ao hồ, sông, suối, khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước.
ĐỖ CAO HUYỀN