Những đứa trẻ ở Sa Pa
VHO- Chiều qua 10.1, một cộng tác viên thường xuyên của Văn Hoá gọi điện về Toà soạn thông báo, từ đêm nay Sa Pa sẽ xuống âm 2 độ, toàn thị xã bao phủ màn sương trong cái giá lạnh thấu xương. Còn những đêm ngày trước đó tuyết đã rơi, ở trong nhà quấn chăn với bên cạnh là bếp lửa hồng mà vẫn thấy lạnh “cắt da cắt thịt”.
Ấy vậy mà những đứa trẻ người dân tộc nơi đây, có đứa chỉ mới bốn, năm tuổi, quần áo không đủ ấm, chân trần hoặc mang theo đôi dép vẫn bị đẩy ra đường giữa đêm khuya, đeo bám du khách để bán hàng lưu niệm. Còn ở một góc bên kia đường, cha mẹ những đứa trẻ đó lại quây quần bên bếp lửa, đến nửa đêm về sáng mới đón chúng về.
Nhìn những cảnh tượng đau lòng này, cộng tác viên còn nói thêm rằng, “cần có biện pháp gì hữu hiệu hơn chứ chỉ dựa vào khuyến cáo của chính quyền rằng du khách không mua đồ của trẻ em chưa mang lại tác dụng”. Trong những ngày qua, đội kiểm tra trật tự đô thị UBND phường Sa Pa liên tục phát loa kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ em nhưng nhiều đứa trẻ ở khu du lịch nổi tiếng này vẫn bị bố mẹ đẩy ra đường mưu sinh, dù mỗi đêm chỉ được mấy chục nghìn đồng. Ông Ngọc Ánh, đội kiểm tra trật tự đô thị Sa Pa cho biết, khi tổ công tác kêu gọi, phát loa, nhiều người đã không cho con cháu mình đi bán rong nữa, thế nhưng ở đây vẫn còn một nhóm chuyên chèo kéo du khách. Những ông bố bà mẹ đưa trẻ đến thị xã rồi canh chừng một chỗ, để trẻ địu em đi bán hàng nhằm tranh thủ lòng thương hại của du khách.
Theo thông tin báo chí phản ánh, nhóm trẻ này cứ nhũng nhẵng bám theo khách du lịch chào hàng. Nếu một em bán được hàng, lập tức các em khác xúm lại bao vây. Có nhóm khách còn bị đeo bám đến tận cầu thang khách sạn. “Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, nhiều lần đưa trẻ về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng sáng đưa về thì chiều chúng trèo tường trốn mất. Tối đã thấy chúng bán hàng ngoài phố”, ông Ánh phân trần. Còn bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng VHTT thị xã Sa Pa thì cho hay, chính quyền đã vào cuộc nhằm giảm thiểu tình trạng chèo kéo khách du lịch từ hàng chục năm nay nhưng chưa thực sự hiệu quả. Bà Vượng nói thêm: “Chúng tôi đang tập hợp nguyện vọng của từng hộ dân. Hộ nào muốn bán hàng chúng tôi sẽ bố trí địa điểm, hướng dẫn kỹ năng. Hộ nào muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch... chúng tôi xây dựng chính sách để hỗ trợ”.
Không khí lạnh tiếp tục tăng cường mang đến rét đậm, rét hại, nhiều nơi đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khoẻ; vật nuôi, cây trồng cũng được yêu cầu che chắn, giữ ấm. Còn những đứa trẻ ở Sa Pa lại bị chính cha mẹ chúng đẩy ra đường giữa đêm khuya trong cái rét căm căm như châm chích vào da vào thịt thì lại chưa được ngăn chặn và xử lý đến nơi đến chốn. Những hình ảnh đó không chỉ khiến cho khu du lịch trọng điểm Sa Pa trở nên xấu xí, mà quan trọng hơn, những đứa trẻ đó sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là về sức khoẻ.
Chỉ cách đây mấy ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ban hành Công điện số 01/TWPCTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ..., trong đó nhấn mạnh phải tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, khách du lịch, nhất là tại các trường nội trú, như: Hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
Vì thế, tỉnh Lào Cai cần vào cuộc quyết liệt xử lý vấn đề này, đừng xem đó là “chuyện nhỏ”.
NGUYỄN THANH SƯƠNG