Nhìn về chiến sĩ ấy để ai cũng là “chiến sĩ”
VHO- Những ngày qua, trên nhiều mặt báo và trang mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh một chiến sĩ trẻ quỳ bái vọng mẹ tại bàn thờ lập ngay trong đơn vị khiến nhiều người xúc động đến nghẹn lòng.
Mẹ qua đời khi anh đang tham gia khóa huấn luyện chiến sĩ mới, đồng thời tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến anh phải nén chặt tình riêng, không về quê chịu tang mẹ. Còn nỗi đau nào hơn khi một người con không thể có mặt bên đấng sinh thành ở khoảnh khắc sinh tử, không thể tiễn đưa mẹ trong giây phút sau cùng…
Người chiến sĩ trẻ ấy là một trong vô vàn tấm gương nỗ lực vượt khó, sẵn sàng hy sinh niềm riêng để bảo vệ thành quả chung của đất nước. Suốt hơn một năm qua, trong cuộc chiến cam go này, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, căng mình chốt chặn nơi biên giới như những tấm lá chắn thép để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc; biết bao y, bác sĩ không quản nguy hiểm dấn thân vào tâm dịch, khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín bưng giữa mùa hè nóng như đổ lửa để cứu chữa bệnh nhân; ngân sách nhà nước cũng ưu tiên dồn những số tiền không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch. Và trong lực lượng tuyến đầu ấy, cũng có rất nhiều người khi người thân ra đi mãi mãi mà không thể về chịu tang bởi nhiệm vụ “chống giặc” vẫn đang là ưu tiên hàng đầu. Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, người dân đồng lòng hưởng ứng, làm theo…
Rõ ràng, cùng với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Tuy nhiên, trong khi người người, nhà nhà tích cực chung tay cùng chính quyền đối phó với “giặc Covid” thì có một thực tế đáng phải lên án, đó là còn một bộ phận thiếu ý thức trách nhiệm, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm như gian dối trong khai báo y tế, trốn cách ly hoặc tụ tập đông người. Rồi có những kẻ đang tâm “nối giáo cho giặc”, đưa những người nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Trong tất cả những cá nhân yếu kém về ý thức kể trên, điển hình nhất gần đây là trường hợp của một cán bộ, đảng viên dù vừa trở về từ vùng có nhiều ca lây nhiễm Covid-19 nhưng vẫn dự họp, ăn uống, thậm chí đi chơi golf trong giờ làm việc. Khi cả nước căng mình chống dịch, hạn chế tập trung đông người thì ông này liên tục liên hoan chỗ này, họp mặt chỗ kia… Hành động vô trách nhiệm đến mức tệ hại đó đã để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, đó là đã khiến rất nhiều nơi bị phong tỏa và nếu F0 tiếp tục xuất hiện trên địa bàn người này đã hoạt động thì hậu quả sẽ diễn biến xấu không biết đâu mà lường. Đúng là, một người lơ là, cả cộng đồng khốn đốn.
Không những thế, nhiều trường hợp còn lợi dụng diễn biến của dịch để tung tin giật gân nhằm câu like, câu view trục lợi, gây hoang mang dư luận và tạo ra rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch. Đây là những hành động đáng lên án và cần thiết phải xử lý trước pháp luật.
Bởi vậy, đúng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc chiến chống Covid-19, cá nhân, tổ chức nào làm tốt, làm hiệu quả thì khen thưởng; những ai chủ quan, lơ là, không chấp hành quy định thì phải xử lý nghiêm. Bên cạnh những giải pháp mạnh và quyết liệt cộng với vắcxin phòng ngừa, thì trên hết, mỗi chúng ta hãy là một “chiến sĩ”, có như vậy mới mong đẩy lùi được đại dịch kinh hoàng này.
ĐỖ CAO HUYỀN