Nhân ngày 8.3, nói chữ "nữ quyền"

VHO- Hôm nay 8.3, ngày Quốc tế Phụ nữ, nhiều người tất sẽ nhắc đến chữ nữ quyền như một biểu hiện của bình đẳng giới ở xã hội hiện đại. Song thật ra, vấn đề này đã được người xưa đề cập rồi, trong câu chữ, văn ngôn đều có.

Nhân ngày 8.3, nói chữ

Chữ Nữ 女, trong Hán văn, vẽ hình người con gái đứng khoanh tay, được giảng nghĩa phục tùng sai bảo, một chiều chấp thuận ý kiến người đàn ông. Sự lý giải này khiến nhiều người cho rằng, quan niệm cũ khinh khi thân phận phụ nữ, đặt người phụ nữ vào thế thụ động, không có vai trò gì trong xã hội.

Đáng tiếc, đây chỉ là quan niệm của một giai đoạn xã hội phong kiến, dưới thời Tống Nho của Trung Quốc. Việt Nam, ảnh hưởng tư tưởng phong kiến này, đã nhìn nhận tiêu cực về vai trò người phụ nữ trong xã hội, từ đó dẫn ra những bất công trong ứng xử và mâu thuẫn trong đời sống.

Trái ngược lại quan điểm này, người xưa thực chất đề cao vai trò người phụ nữ trong đời sống xã hội. Những kinh sách đều dẫn những câu chuyện phụ nữ tham gia việc triều chính, đảm trách hai vai việc nước – việc nhà không thua sút đàn ông. Nếu quan điểm xã hội từ xưa khi dễ nữ giới, làm sao có những điển tích Chung Vô Diệm giúp chồng dựng nước hay Nữ Oa đội đá vá trời.

Trong chữ nghĩa, hai chữ nữ quyền cũng đã được xác lập từ lâu.

Phải thấy rằng, triết học Đông phương, ảnh hưởng Nho giáo một phần, từ xưa đề cao vai trò người đàn ông, nhưng luôn đặt ở vị trí “phải làm”. Người đàn ông trong xã hội phong kiến, được mặc định phải làm những điều đúng đắn, công chính, hợp với đạo lý trời đất. Những việc làm của người đàn ông được quy ước rất rõ ràng, phải học chữ nghĩa thi thư, ra đời giúp dân giúp nước, dám xả thân vì việc nghĩa, hy sinh vì cộng đồng… Những việc ấy được coi là đương nhiên, không khác gì quy luật tự nhiên, tuần hoàn của bốn mùa trong một năm, sớm tối trưa chiều trong một ngày. Trách nhiệm của người đàn ông, vì thế gắn với chữ Kinh 經, nghĩa là những việc đúng đạo lý.

Vậy với những việc không theo đạo lý, nhưng hợp lẽ phải, thì ứng xử làm sao? Người xưa gắn câu hỏi này với chữ Quyền 權, lấy hình tượng cây cỏ trong trời đất mọc lên, biết ứng biến linh hoạt để phát triển. Cây cỏ tự nhiên chủ động linh hoạt, biết yếu mềm trong bão tố để không bị quật ngã, nhưng cũng cương cường vươn lên đón ánh mặt trời, không chịu úa tàn. Thái độ ấy, chính là quyền biến cơ mưu, và được gắn với nữ giới bởi chữ nữ quyền.

Nữ quyền, theo quan điểm này, chính là sự linh hoạt nhạy bén của người phụ nữ, biết uyển chuyển khéo léo ở vị thế “can gián”, mà ứng phó và điều tiết người đàn ông. Chính sự khéo léo, dịu dàng và tỉ mỉ của người phụ nữ sẽ hỗ trợ cho người đàn ông làm tốt những phận sự, trách nhiệm của mình, tạo nên sức mạnh song hòa đôi bên mà tìm thấy thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Rõ ràng trong mắt người xưa, nữ quyền là điều không phủ nhận. Hai chữ kinh quyền tạo nên một thế đối lập nhưng hợp tác. Chữ kinh là những điều đúng đạo lý, bất di bất dịch phải tuân thủ. Chữ quyền lại là những việc trái đạo lý đó, song lại là lẽ phải cần lắng nghe và chấp thuận.

Nữ quyền là quyền lực của người phụ nữ trong xã hội, tưởng ở sau mà hóa ra trước, tưởng phận dưới nhưng quả quyết được mọi sự từ trên. Người đàn ông có quyền ra định chế nên làm gì, tiến hành ra sao, nhưng không thể bỏ qua người phụ nữ bên cạnh, dùng quyền năng tương trợ, giúp cải thiện những định chế ấy, điều chỉnh đúng sai trong việc làm.

Mọi việc kinh điển mà phải biết quyền biến, ấy là nhận xét của người xưa mang tính kết hợp giữa hai bên nam nữ trong xã hội để mọi việc tốt lành. Người xưa có câu “phu xướng phụ tùy” chính là theo nghĩa này, trong đó chữ tùy không phải khoanh tay lắng nghe, nhất định phục tùng, mà là tùy vào bản lĩnh người phụ nữ, biết thấu hiểu, biết quyền biến để áp dụng.

Xã hội ngày nay tiến bộ, con người xích lại gần nhau, quan niệm tư duy về vai trò nam nữ cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, hai chữ nữ quyền của người phụ nữ càng đáng được coi trọng, cần được nhìn nhận chính xác để thực sự phát huy là chỗ tựa, hậu phương vững chắc cho người đàn ông gánh vác cuộc sống.

THỤY BẤT NHI

Ý kiến bạn đọc