Nhắc lại để nhớ mãi khôn nguôi
VHO- Sự kiện “Gạc Ma -1988” luôn mãi là khúc bi tráng lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc sau thời bình. 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngày ấy không chỉ là “ngọn đuốc bất tử” về tinh thần kiên cường bám đảo giữ chủ quyền, mà còn là bài học quý cho bộ đội hải quân về bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển thời kỳ mới.
Trong hành trình tri ân thân nhân liệt sĩ Gạc Ma dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, gia đình mà chúng tôi đến thăm đầu tiên trong chuyến về nguồn là nhà ông Lê Văn Xuân, bố đẻ của liệt sĩ Gạc Ma Lê Văn Xanh.
Vừa thấy anh Trần Đức Lợi, Trưởng ban liên lạc Gạc Ma ở Đà Nẵng, ông Xuân đã xúc động rơi nước mắt. Dường như trái tim ông Xuân luôn nhạy cảm “gợi nhớ nỗi đau” mỗi lần có ai đó từ xa đến thắp hương hoặc hỏi chuyện con ông, người con trai duy nhất vĩnh viễn nằm lại đảo đá Gạc Ma của 34 năm trước.
Sau phút giây thăm hỏi, ông Xuân khoác vội chiếc áo dài dẫn chúng tôi leo lên bậc cầu thang nhỏ để thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh. Trước di ảnh con trai mình ông Xuân nghẹn giọng: “Xanh ơi, có đồng đội của con đến thăm đây này”. Ông chỉ nói có vậy rồi nước mắt bỗng dưng chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nhúm. “Nó là con trai duy nhất của tôi. Ngày nó hy sinh đúng vào 18 tuổi, chưa có người yêu gì”, ông Xuân bày tỏ như chia sẻ cho vơi bớt nỗi đau.
Mùa xuân 34 năm trước, Lê Văn Xanh là một trong mười thanh niên trẻ quê Quảng Nam Đà Nẵng lên đường tòng quân nhập ngũ. Sau khi huấn luyện cấp tốc ở Cam Ranh, anh Xanh xuống tàu 604 đi Trường Sa. Khi biết anh Xanh đi đảo, vợ chồng ông Xuân đã giục cậu con trai lấy vợ rồi đi cho ông bà yên tâm. Vì Xanh là con trai duy nhất của gia đình, nếu có hy sinh thì vẫn còn cháu nội: “Nó hứa lấy vợ, nhưng thời gian gấp quá không kịp. Ngày tiễn chân nó đi, bà nhà tôi khóc bảo: “Mày không lấy vợ cho má, lỡ có chuyện gì thì sao con”. Khi nhận được tin nó hy sinh, bà nhà tôi ngất rồi ốm. Bà ấy mất sau đó hơn một năm. Nhiều đêm tôi không ngủ được. Hình ảnh lúc tiễn con lên đường cứ chập chờn trong đầu óc tôi”, ông Xuân trải lòng.
Ba mươi năm sau kể từ ngày 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma, tháng 7.2017, tên tuổi 64 liệt sĩ mới chính thức được vinh danh và đưa về quy tụ tại Khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” ở bán đảo Cam Ranh. Mặc dù gọi là “quy tụ” song thực tế chỉ tên 64 liệt sĩ được khắc trên tấm bia đá và trong khu mộ gió, còn xương cốt các anh vẫn nằm tận ngàn khơi hoá thành san hô, tan vào lòng biển mặn mòi.
Gợi nhắc lại câu chuyện lịch sử ở trên vào những ngày này khiến cho mỗi chúng ta không chỉ mãi khắc ghi vào tâm can của biết bao Anh hùng liệt sĩ qua các thế hệ đã ngã xuống để đất nước được trường tồn, mà quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là cần ý thức một cách đầy đủ nhất về những công việc mình làm sao cho xứng danh với sự “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ấy. “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ” không phải là khẩu hiệu mà đó chính là mệnh lệnh từ con tim của mỗi con dân đất Việt được thôi thúc từ tận ngọn nguồn truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”…
TRẦN MẠNH TUẤN