Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật phải xử lý nghiêm

VHO- Thời gian gần đây, tận dụng sự nổi tiếng của mình, không ít nghệ sĩ, “sao” Việt đã xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Instagram… để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sai sự thật về công dụng. Điển hình là trường hợp Hoa hậu M.P.T và H.G quay video quảng cáo cho một nhãn hàng thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân.

 M.P.T đã dành những lời có cánh cho sản phẩm: “Chỉ sau 3 tuần, những vùng hay tích mỡ của T như nọng cằm, bắp tay, bụng, sau đùi giảm rất rõ rệt. Hơn nữa khi sử dụng sản phẩm này, T rất yên tâm vì các thành phần của nó đều là những chất rất tự nhiên”.

Tuy nhiên, sản phẩm giảm cân trên đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật. Thậm chí, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương phải ra khuyến cáo người dân không mua, sử dụng sản phẩm vi phạm nêu trên và báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

Có thể nói, tình trạng những người hoạt động nghệ thuật, nhất là các nghệ sĩ có những hành vi vi phạm pháp luật như phát ngôn phản cảm, cổ vũ, khuyến khích những hành vi không hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, trái đạo đức xã hội diễn ra khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Đặc biệt là việc các nghệ sĩ tên tuổi, nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, tuy nhiên tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng, biến tướng tinh vi, phức tạp hơn. Nguyên nhân là do chế tài chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa; áp lực dư luận chưa đủ mạnh nên các vụ việc sai phạm bị phát hiện, xử lý ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng… “đâu vẫn vào đấy”! Và như vậy, những hành vi tiêu cực không bị loại bỏ, xử lý triệt để mà lâu lâu lại tiếp diễn. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, gây mất trật tự an toàn xã hội. Bởi hành vi của các nghệ sĩ, nhất là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng và toàn xã hội, nếu hành vi tiêu cực sẽ gây ra tác động xã hội rất lớn. Nhiều người “tiền mất, tật mang” khi nghe theo các lời quảng cáo sai sự thật của các nghệ sĩ; khi sự việc “đã rồi” họ lên tiếng xin lỗi và coi như hết trách nhiệm.

Do tính chất công việc, tầm ảnh hưởng xã hội nên nhiều nước có quy chế quản lý hoạt động, hành vi của những người nổi tiếng, nhất là các nghệ sĩ rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Theo đó, nếu vi phạm quy chế, các chuẩn mực được đặt ra có thể bị xử phạt nặng nề, thậm chí nhiều người phải tuyên bố giải nghệ, phá sản.

Bên cạnh đó, áp lực dư luận đối với những nghệ sĩ cũng rất lớn, nhiều người bị dư luận lên án, tẩy chay là coi như sự nghiệp cũng chấm hết. Do đó, ở nhiều nước, các nghệ sĩ sẽ không tham gia quảng cáo nếu không chắc về chất lượng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình là đại diện thương hiệu đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Vì vậy, đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cần phải có chế tài nghiêm khắc. Theo đó, nên tăng mức xử phạt hành chính đối với những hành vi này, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại lớn cho người dân, cho xã hội. Ngoài ra, có thể áp dụng thêm biện pháp cấm hoạt động nghệ thuật trong một thời gian nhất định, thậm chí cấm vĩnh viễn. Bởi lẽ, không thể mang danh hoạt động nghệ thuật chỉ vì tiền, vì món lợi trước mắt mà vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt họ đã đi ngược lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật đó là hướng đến cái đẹp, chân - thiện - mỹ.

Việc tăng cường các biện pháp, chế tài nghiêm khắc đối với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức, nhất là quảng cáo sai sự thật là rất quan trọng. Điều này không chỉ chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa các nghệ sĩ khác vi phạm về sau, nhất là không thể để tình trạng này mãi tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. 

THS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc