Ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch Covid-19

VHO- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tổ chức hội nghị với các chuyên gia, các nhà khoa học trong tháng 12 này để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp nhiễm Covid-19 chuyển nặng và tử vong.

Ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch Covid-19 - Anh 1

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Y tế đã giao nhiều bệnh viện thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu (ICU) như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU quy mô 500 giường; miền Bắc có Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU;

 Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; Phổi Trung ương 200 giường.

Không chỉ tại TP.HCM và một số tỉnh miền Nam, những ngày gần đây, số ca dương tính trên địa bàn TP Hà Nội tăng liên tiếp, kỷ lục mới nhất là 1.357 ca ghi nhận vào ngày 15.12. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc này vẫn đang nằm trong kịch bản có số ca mắc từ 2.000 – 3.000 ca. Thay vì 4 cơ sở điều trị như giai đoạn trước, hiện nay Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh; thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều người đã xét nghiệm test nhanh và PCR cho kết quả dương tính, nhưng nhiều ngày không được phát thuốc, không được hướng dẫn điều trị tại nhà, không được đưa đến cơ sở y tế. “Tôi gọi điện cho trạm y tế địa phương thì được trả lời chờ đợị, trong khi gia đình tôi có F0 mắc bệnh nền, và con nhỏ đang là F1 khiến chúng tôi rất lo lắng”, một người dân trú tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, dường như Hà Nội đang có sự nhầm lẫn giữa Trạm y tế lưu động và Bệnh viện dã chiến. Khi đề cập đến Trạm Y tế lưu động, Hà Nội thường đưa ra số bệnh nhân được tiếp nhận, quy mô giường điều trị F0. Trong khi đó, theo Hướng dẫn tạm thời mô hình Trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 của Bộ Y tế thì Trạm y tế lưu động có chức năng quản lý và theo dõi điều trị F0 tại nhà và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để kết nối, chuyển tuyến kịp thời; cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Như vậy, có 1 nhóm cán bộ y tế di chuyển tới nhà các F0 để hỗ trợ y tế, chứ không phải là thành lập 1 cơ sở cố định để lưu giữ F0.

Sự nhầm lẫn này nếu kéo dài có thể dẫn tới tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19. Theo TS Nguyễn Thu Anh, tại TP.HCM, rất nhiều F0 ở TP.HCM hiện nay không muốn khai báo. Một phần vì sợ bị kỳ thị, bị hạn chế hoạt động nên F0 giấu. Khi không khai báo, họ sẽ tìm cách tự điều trị và hỏi kinh nghiệm xung quanh. Rất nhiều F0 tự uống corticoid ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính, F0 không được quản lý và theo dõi sức khỏe, nhiều F0 vẫn bị trạm y tế phường “bỏ quên”. Một số bệnh nhân nhập viện khi đã nặng nên khó xử trí hơn. Bệnh viện tầng trên không đủ nhân lực điều trị F0 và không muốn điều trị F0…

Số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh, số ca tử vong cũng chưa được kéo giảm và nhân lực y tế cũng không thể mãi là “anh hùng”, do đó người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt là thời điểm lễ Noel và Tết Dương lịch đang đến gần, để không làm trầm trọng thêm gánh nặng y tế vì dịch Covid-19. 

VIỆT THÀNH

 

Ý kiến bạn đọc