Nếu những ai yêu quý di sản...

VHO- Xung quanh câu chuyện vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại di tích quốc gia chùa Đậu, những ai yêu quý di sản văn hóa của các bậc tiền nhân để lại chắc sẽ cảm thấy rất đau xót. Nhưng điều càng gây đau xót hơn là khi phải nghe lãnh đạo UBND huyện, xã, cấp chính quyền trực tiếp quản lý đối với khu di tích này “bất lực” thốt ra những lời mà có lẽ ai đó giàu sức tưởng tượng nhất cũng khó nghĩ ra. Đó là biết vi phạm nhưng không thể ngăn cản được!

Biết vi phạm luật nhưng chính quyền lý giải vì ai đó “mong muốn xây dựng cho di tích ngày càng khang trang hơn” nên đến thời điểm này họ phải đề nghị những cơ quan Bộ, ngành và TP Hà Nội cần quan tâm giúp đỡ, nhằm ngăn chặn sự nhức nhối bấy lâu nay.

Còn nhớ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi về di tích quốc gia chùa Đậu để tham quan, vãn cảnh và tham gia một số dự án bảo tồn, phát huy di vật, hiện vật, bảo vật tại ngôi chùa này, đoàn công tác gồm các giáo sư, chuyên gia, nhà quản lý văn hóa bày tỏ sự bàng hoàng pha chút ngạc nhiên trước những công trình kiến trúc thấm đẫm giá trị lịch sử, văn hóa của cách đây gần nửa nghìn năm về trước. Trong không gian đậm chất màu cổ tích ấy, ai trong đoàn cũng hằng mong muốn vào một ngày nào đó không xa, di tích quốc gia chùa Đậu sẽ trở thành di tích quốc gia đặc biệt để tạo thêm điểm nhấn, nơi chiêm ngưỡng, sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách. Mong muốn của điều cách đây hơn hai mươi năm đang dần trở thành hiện thực khi chính quyền các cấp đang làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích danh lam đệ nhất trời Nam - chùa Đậu - trở thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Đã lâu không trở lại, những tưởng ký ức của hơn hai mươi năm về trước vẫn hằn nguyên trong suy nghĩ, nào ngờ một ngôi chùa đã đi vào trong tâm khảm, tâm thức của biết bao thế hệ; đã đi vào nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách kinh điển về tôn giáo của Việt Nam nay phải đối diện với những vấn đề nghiêm trọng mà không ai muốn nghĩ tới: Di tích quốc gia chùa Đậu đang bị “thanh xuân hóa”. Những bậc tiền bối trong đoàn ngày ấy như Giáo sư Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Chu Quang Trứ... những người đã dành những câu từ rất đẹp về giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc chùa Đậu đang nằm dưới suối vàng nếu có phải nghe những thanh âm của đương cuộc như thế này thì họ sẽ nghĩ gì về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói chung, trong đó có câu chuyện chùa Đậu của cấp chính quyền địa phương.

Xin trở lại với sự “bất lực” của chính quyền địa phương đối với việc quản lý di tích quốc gia chùa Đậu, kèm theo đó là những câu hỏi vì sao và vì sao đến tận thời điểm này họ mới dám nói ra những suy nghĩ, chính kiến của mình đối với việc bảo vệ tính nguyên bản của di tích với cấp có thẩm quyền. Nếu có một lời kết của bài viết này, chúng tôi xin dẫn lại câu nói của cố PGS.TS Chu Quang Trứ, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống: “Nếu những ai không yêu quý di sản của các bậc tiền nhân sẽ không cảm thấy đau xót với những hiện tượng như thế này!”. Chắc chắn đó là những hiện tượng đang xảy ra tại di tích quốc gia chùa Đậu. 

NGUYỄN HÒA

Ý kiến bạn đọc