Một lời thú nhận...
VHO- Mặc dù trong thời qua có nhiều vụ vi phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mỹ thuật bị dư luận xã hội và báo chí lên án gay gắt nhưng vấn nạn này vẫn cứ "hồn nhiên" mọc ra và nó chưa bao giờ được xem là chuyện cũ. "Đạo, nhái" tác phẩm mỹ thuật xảy ra bởi sự vô lối, tùy tiện của một số cá nhân, rồi những "nguyên đơn" chưa thật sự vào cuộc quyết liệt để bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình.
Cái tên Dương Ngân Hải, tác giả đang "nổi như cồn" suốt mấy ngày qua bởi hành động sao chép gần như 100% ý tưởng tranh cổ động của tác giả nước ngoài để đưa đi dự thi đã phải thừa nhận rằng "rất nhục nhã, bế tắc, chỉ muốn chui xuống lỗ".
Nhưng có lẽ, chẳng ai là không thấy nực cười khi anh này giãi bày rằng “thấy hình ảnh trong tranh phù hợp với ý tưởng của mình nên đã áp dụng, và không hề nghĩ đó là đạo, nhái”. Một lời thú nhận bao biện và ngô nghê, nhưng đằng sau nó thể hiện sự hiểu biết "nông cạn" về pháp luật của người làm nghề. Hơn thế nữa, đó là lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp đang bị xem nhẹ, coi thường và đẩy xuống thấp đến mức không thể “tiêu hóa được”, nói như ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay.
Một nhà phê bình mỹ thuật đã phải kêu trời lên rằng, tình hình tranh giả, tranh chép, tranh nhái khiến các họa sĩ vô cùng tuyệt vọng về vấn đề bản quyền vì không có cách gì bảo vệ được mình. Luật sư về bản quyền Trần Thị Tám chia sẻ, khi các họa sĩ, chủ sở hữu tác phẩm phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, bị vi phạm thì hãy “kêu lên”. Tuy nhiên, “kêu” với ai và “kêu” như thế nào mới là quan trọng. Trên thực tế, tình trạng tác phẩm mỹ thuật giả mạo mới được xử lý ở việc truyền thông đưa tin mà chưa được giải quyết một cách thấu đáo từ pháp luật, do vậy mà những vụ lùm xùm xoay quanh chuyện “đạo nhái”, sao chép tác phẩm mỹ thuật… cứ ầm ĩ rồi lại chìm như ném đá ao bèo.
Có thể các ác vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong lĩnh vực mỹ thuật ít được đưa ra giải quyết một cách triệt để và quyết liệt nhưng dù là có chế tài xử lý nghiêm minh thế nào đi nữa, thì hình thức chế tài có tên là “xấu hổ” sẽ là bản án nghiêm khắc nhất dành cho những kẻ bất chấp tất cả để đánh mất đi những gì cao quý nhất trong mỗi con người, đó là lòng tự trọng. Đừng vì chút hư danh trước mắt mà “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại buổi làm việc mới đây với các đơn vị chức năng về vấn đề bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật đã nhấn mạnh: Thị trường mỹ thuật Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề khó giải quyết, trong đó vấn nạn tranh giả, tranh nhái tồn tại kéo dài đã và đang ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến uy tín và niềm tin dành cho thương hiệu mỹ thuật Việt. Để đẩy lùi vấn nạn này, theo Thứ trưởng, cần quyết liệt, rốt ráo các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài cũng như những giải pháp cấp thiết ngay trước mắt, không để mãi kéo dài thực trạng tranh thật - tranh giả lập lờ đánh lận như bấy lâu nay.
ĐỖ CAO HUYỀN