“Mất trí nhớ” hay bóp méo lịch sử?

VHO- Lịch sử như một dòng sông chảy liên tục chở theo những sự kiện. Nhưng từ “biết” lịch sử đến “hiểu” những giá trị của lịch sử có một khoảng cách. Tùy thuộc vào khả năng tư duy và giá trị cuộc sống của mỗi người.

Giá trị cuộc sống bao hàm cả tài năng, đức độ và sự cống hiến cho cộng đồng cùng với lối sống. Để phân biệt giữa “mất trí nhớ từng phần” về lịch sử hay sự khác biệt về giá trị cuộc sống, cần phân tích những hiện tượng cụ thể đã diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam.

“Mất trí nhớ” hay bóp méo lịch sử? - Anh 1

Sử sách và giáo khoa môn lịch sử thế giới đều có ghi rất rõ những sự kiện lớn của thế chiến II.

Từ sự xuất hiện trục Phát xít đến kết thúc chiến tranh. Đó là những sự kiện khách quan, không thể thay đổi. Nhưng một số chính khách phương Tây đã diễn giải bằng những ngôn từ khác nhằm đảo ngược giá trị lịch sử. Liên Xô là lực lượng chủ yếu chống phát xít nhưng họ gọi là thủ phạm gây ra chiến tranh, Hồng quân giải phóng Đông Âu nhưng họ gọi là xâm lược. Sự đảo ngược ấy chứng tỏ họ không cùng giá trị với lực lượng chống phát xít.

Ở Việt Nam, cũng diễn ra tương tự, sử sách cũng ghi rất rõ những sự kiện lớn, từ Cách mạng Tháng Tám đến ngày 30.4 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng có một số người dường như học theo một số chính khách phương Tây cách nói đảo ngược giá trị lịch sử.

Những trường hợp trên thế giới và ở Việt Nam rất giống nhau ở một điểm - đó là họ không quên toàn bộ lịch sử mà cố tình “quên” những giá trị của lịch sử. Bởi vì những gì mà họ tôn thờ hoàn toàn đối lập với giá trị của lịch sử. Ở Việt Nam, giá trị lịch sử của các cuộc kháng chiến là bảo vệ văn hóa truyền thống, là “Không gì quý hơn độc lập tự do”, yêu nước, thương dân... nhưng với một số người, cái mà họ tôn thờ là cuộc sống vật chất, giàu sang, mà ngoại bang dành riêng cho những người làm việc cho thực dân, đế quốc. Để phụ họa với lối sống ích kỷ ấy họ còn đưa ra những luận điệu như đời sống kinh tế quan trọng hơn chủ quyền, họ còn ca ngợi thời thực dân là “thế hệ vàng” đã được tiếp thu văn minh phương Tây mà quên đi rằng nỗi nhục mất nước, dân sống trong đói khổ, lầm than, hơn 90% dân Việt Nam mù chữ.

Nhìn từ hiện tượng thì những người này giống như người bị bệnh mất trí nhớ từng phần - tức là chỉ cố tình “quên” phần giá trị của lịch sử, bóp méo lịch sử. Nhưng nhìn từ bản chất sự vật - đó không phải là bệnh lý mà là giá trị cuộc sống của họ đối lập với giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Phải chăng họ đã làm cái việc “Lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử”? 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc