Luật Thư viện và tôn vinh văn hoá đọc
VHO- Ngày 1.7.2020, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực. Đây là niềm vui chung của những người yêu sách, giúp khẳng định quyền tiếp cận thông tin, tri thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân, đồng thời khẳng định rõ vai trò của thư viện, cũng như của văn hóa đọc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Như vậy, sự ra đời của Luật Thư viện một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị của thư viện nói riêng, văn hóa đọc nói chung.
Trong khoa học xã hội và nhân văn, những hiện tượng xã hội chính là những chỉ báo thể hiện những vấn đề sâu xa hơn, thuộc về bản chất của xã hội, nếu chúng ta phân tích một cách thấu đáo. Chẳng hạn, nếu chúng ta quan sát trên các phương tiện công cộng có nhiều người say mê đọc sách, đọc báo, chúng ta có quyền hy vọng về tương lai của một đất nước. Điều đó hoàn toàn lôgic với mục đích của giáo dục là xây dựng một xã hội, ở đó, mọi người dân luôn khao khát tìm kiếm tri thức (hunger for knowledge). Từ tình yêu với việc đọc sách, báo và tìm kiếm tri thức, xã hội sẽ được hưởng lợi bởi những người dân yêu khoa học, thích sáng tạo, ý tưởng hay, cũng như luôn hướng tới chân, thiện, mỹ đến từ những câu chuyện truyền cảm hứng trong các tác phẩm văn học. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở!
Chính vì thế, do những lợi ích từ thói quen đọc sách mang lại, khuyến khích người dân đọc sách là mong muốn của bất kỳ một quốc gia nào, thậm chí ngay ở qui mô từng gia đình, chúng ta cũng luôn mong muốn con cái mình say mê đọc sách. Rèn luyện thói quen đọc sách cho mỗi người, ngay từ khi còn nhỏ, là vô cùng quan trọng đối với không chỉ kiến thức và tính cách, và xa hơn cả là tương lai của chính mỗi con người đó. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói: “Vào khoảnh khắc mà chúng ta quyết thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi mà các phương tiện truyền thông mới đang làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận tri thức và đọc sách, dường như chúng ta quan tâm đến những mẩu tin ngắn, được quảng cáo hấp dẫn, bị động với thông tin và bị thông tin dẫn dắt nhiều hơn, thông tin nhanh đến rồi cũng nhanh đi hơn, vì thế, có thể chúng ta có nhiều thông tin hơn nhưng các thông tin cũng ít sâu sắc hơn. Rèn luyện thói quen đọc sách chủ động là một giải pháp vô vùng cần thiết để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thay vì lướt nhanh qua những dòng tweet, tin tức rất nhiều nhưng hời hợt trên các trang mạng xã hội, mỗi người chúng ta cần lắng mình lại, dành thời gian nhiều hơn cho những trang sách, nơi chúng ta được tưởng tượng, tìm kiếm những kiến thức thực sự sâu sắc, cũng như giúp chúng ta thanh lọc những tác động đa dạng, phức tạp ngoài xã hội, như Victor Hugo đã từng nói: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”. Thói quen đọc sách giúp chúng ta trưởng thành hơn và mỗi cuốn sách hay chính là một chiếc chìa khóa đưa chúng ta đến thành công và thậm chí có thể thay đổi chính cả cuộc đời mình! Tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh thói quen đọc sách là cách chúng ta xây dựng một xã hội tri thức, hướng tới xây dựng con người phát triển toàn diện và một nền văn hóa dân tộc đậm chất nhân văn, rất cần cho sự phát triển bền vững đất nước!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN