Không đeo khẩu trang nơi công cộng: Nên xử kịch khung
VHO- Không chỉ riêng Hà Nội mà tại nhiều địa phương khác trong thời gian ngắn gần đây, việc người dân ra đường, tham gia vào hoạt động đông người hoặc ra những nơi công cộng... không còn thường trực đeo khẩu trang đã là chuyện... bình thường. Bình thường đến mức như... chưa từng xuất hiện đại dịch Covid-19. Ở một số công viên lớn trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi tiến hành phỏng vấn bỏ túi một số ông, bà và cả thanh niên chạy thể dục, rằng “vì sao lại không đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch Covid-19?”.
Câu trả lời nhận được từ những người đó khiến chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên: “Cô vy đã chạy từ lâu rồi, còn gì sợ nữa”; “Có thấy ai bắt bẻ gì đâu mà đeo”; “Tập thể dục như thế này, Covid cũng phải sợ, đeo làm gì”... Chúng tôi tin rằng, chắc chắn những người tập thể dục ấy vẫn sẽ xem tin tức hằng ngày, vẫn bắt gặp những pano, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 trên mọi đường phố, thế mà vẫn không hiểu sao họ lại dửng dưng chủ quan, và chủ quan đến mức không thể tả nổi. Lỗi này thuộc về ai?
Những tưởng câu hỏi này rất dễ trả lời nhưng lại không hẳn như vậy. Vì sao có thể đưa ra những nhận định đó là bởi đâu đó, ngay cả những cơ quan mang chức năng thường trực trong phòng, chống đại dịch Covid-19 rồi đến cơ sở y tế từ cấp phường, xã trở lên cũng có vẻ đang xem nhẹ công tác tuyên truyền, cho đến “áp đặt” xử lý. Có một dạo khi ra đường không đeo khẩu trang, ra đến chỗ đông, người nào quên “vật bất ly thân” này sẽ bị lực lượng chức năng gọi, hỏi thậm chí đưa lên phường xử phạt. Còn thời điểm này thì… “hòa cả làng”. Chẳng thế mà ngày 11.11, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu lãnh đạo huyện Gia Lâm trả lời cho đúng sự thật về tỷ lệ người dân đeo khẩu trang khi vào chợ, để rồi ông nhận được câu trả lời là, “thực tế ở các chợ chỉ 10% người dân đeo khẩu trang”. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội cho rằng, vấn đề đáng lo được các ngành và nhiều quận, huyện báo cáo là tình trạng thờ ơ với quy định đeo khẩu trang ở những nơi bắt buộc.
Sự đối phó đeo khẩu trang cũng được Phó giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thực tế kiểm tra ở phố đi bộ tại quận Hoàn Kiếm, thời điểm kiểm tra đột xuất vào ngày Chủ nhật vừa qua (8.11), người dân đều có khẩu trang nhưng khi qua chốt kiểm soát lại bỏ ra. Khi được hỏi thì ai cũng có lý do là cần nói chuyện, hoặc tháo khẩu trang để ăn uống. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, số lượng người đến các điểm công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, bến xe rất đông mỗi ngày, vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định bắt buộc đeo khẩu trang, không thực hiện sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Hiện Bộ Y tế đã hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, chuẩn bị ký ban hành. Theo đó, các địa điểm công cộng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang là nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Người có mặt tại các địa điểm công cộng này sẽ thuộc nhóm bắt buộc đeo khẩu trang. Và sau khi hướng dẫn hoàn tất, Bộ Y tế sẽ gửi hướng dẫn cho các tỉnh, thành để địa phương tùy tình hình cụ thể và quyết định thời gian, địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang. Sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-3 triệu đồng, theo hướng dẫn mới trong Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ có hiệu lực thực hiện từ tháng 11 tới (mức phạt cũ là 100.000-300.000 đồng).
Hy vọng, hành vi không đeo khẩu trang sẽ bị phạt “kịch khung” 3 triệu đồng sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên nước ta. Và qua đây, số tiền bị phạt đó sẽ làm cho người dân bớt chủ quan, không thờ ơ về nạn dịch khủng khiếp này.
NGUYỄN THANH SƯƠNG