Không để “tận thu” trong trường học

VHO- Bước vào năm học mới, nỗi lo hết "chính phí" rồi đến "phụ phí" dồn dập dội xuống khiến nhiều gia đình “méo mặt”, nhất là với những gia đình làm nông nghiệp lại đông con. Những năm trước, tình trạng lạm thu tại nhiều trường xảy ra khá phổ biến với nhiều khoản phi lý đến mức khiến phụ huynh học sinh bức xúc và phản ứng dữ dội. Liên tiếp các cuộc thanh tra, kiểm tra hiện trạng thu chi ngoài ngân sách tại các trường đã được thực hiện; nhiều cán bộ lãnh đạo bị đình chỉ công tác, có trường hợp bị xử lý kỷ luật, cách chức và khởi tố… vì liên quan đến tình trạng lạm thu.

Tình trạng này đã và đang gây ra hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành. Lạm thu hay xảy ra ở những trường chất lượng cao, ở đô thị, trường điểm, trường chuyên…, bởi lẽ yêu cầu và nhiệm vụ tại các trường này là phải nâng cao chất lượng giáo dục hơn so với mặt bằng chung. Do đó, việc phát sinh những khoản thu để phục vụ cho mục đích nêu trên là không thể tránh khỏi. Nhưng thực tế cho thấy, lạm thu xuất phát từ chính việc đầu tư, trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động dạy học được tốt hơn. Thêm vào đó, một số trường chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch tài chính, chưa làm tốt việc phát huy dân chủ khiến quyền của phụ huynh học sinh bị hạn chế khi họ không được tham gia thảo luận, góp ý đối với các khoản thu của nhà trường.

Việc thu những khoản tự nguyện thì phải thực sự để phụ huynh tự nguyện, không nên yêu cầu hoặc bắt buộc họ phải đóng. Nhiều khoản mang danh “tự nguyện” và núp dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để “tận diệt”, thôi thì kính thưa các kiểu quỹ, nào là kinh phí mua máy tính xách tay cho giáo viên chủ nhiệm; xây dựng, sửa chữa trường lớp; quỹ tổ chức tham quan, du lịch cho giáo viên... thậm chí, có cả quỹ đánh trống, quỹ ghế ngồi, quỹ dọn toilet... cứ thế, danh sách dài các loại quỹ đè lên tấm lưng vốn đã oằn cong bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền của các phụ huynh trong cơn khốn khó bởi dịch bệnh. Trong khi đó, những khoản kinh phí phục vụ cho những việc này phải do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Phụ huynh thiếu thông tin dẫn đến nghi ngờ là không thể tranh khỏi, và họ phải lên tiếng để đảm bảo các khoản thu phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của con em họ là việc làm chính đáng. Chính vì vậy, ngành Giáo dục cần phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lam thu; các trường cần phải tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các thu chi ngoài ngân sách giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh.

Mặt khác, cần phát huy vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc thu các khoản đóng góp tự nguyện; khi thu phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình học sinh, không nên cào bằng và quan trọng là hãy để phụ huynh đóng góp theo đúng bản chất của chữ “tự nguyện”, tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng tiêu cực của phụ huynh học sinh như thời gian vừa qua. 

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc