Không để chuyện bé xé ra to

VHO- Vụ việc một vị Phó chủ tịch UBND phường ở Khánh Hòa phát ngôn: “Bánh mỳ không phải là lương thực” đã khiến dư luận một phen dậy sóng, và dường như ai cũng thống nhất cho rằng đây là phát ngôn không chính xác, cùng với hành động phản cảm của vị này cũng gây nhiều bức xúc.

Tuy nhiên, bình tĩnh ra mà nói, đặt trong bối cảnh dịch giã căng thẳng thì mọi người cũng nên cảm thông cho những người thi hành công vụ, nhất là khi cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra định nghĩa bao quát, liệt kê đầy đủ, cụ thể thế nào là hàng hóa thiết yếu.

 Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn để áp dụng trên địa bàn. Liền đó, Chủ tịch UBND TP Nha Trang cũng có thư xin lỗi công dân. Đây là những động thái mang tính cầu thị, nghiêm túc qua sự phản ánh của công luận nói chung. Còn việc cứ “khai thác”, đào sâu theo kiểu nói đi nói lại làm vụ việc đi quá xa, phức tạp thêm là điều không cần thiết. Xã hội còn nhiều vấn đề “nóng” đang cần quan tâm, giải quyết, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Bởi suy cho cùng, vị cán bộ phường ấy cũng chỉ vì thi hành công vụ trong tình huống cấp bách.

Trở lại với vấn đề hàng hóa thiết yếu. Thực tế thì không có định nghĩa cụ thể thế nào hàng hóa thiết yếu. Mặc dù văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 3.4.2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 có nêu nhưng khá chung chung, chỉ được coi là căn cứ để các địa phương tiếp tục hướng dẫn cụ thể thêm. Bởi lẽ, hàng hóa thiết yếu mỗi nơi mỗi khác. Lương thực, thực phẩm là hàng hóa thiết yếu thì có thể dễ dàng được chấp nhận, cùng với đó là dầu ăn, mắm, muối, xăng, dầu... còn những thứ khác thì thật khó khẳng định. Thậm chí, mỗi vùng, mỗi tỉnh, thậm chí mỗi xã cần loại hàng hóa thiết yếu khác nhau, nên để áp dụng chung là rất khó.

Chẳng hạn ở nơi có điện thì dầu diezen dùng để thắp sáng không còn là hàng hóa thiết yếu, nhưng ở nơi chưa có điện thì lại là thiết yếu. Vì thế, không thể không xử lý người đang ở nơi có điện và không mất điện lại cố tình ra đường bảo đi mua dầu để thắp sáng được. Ở một số nước châu Âu, thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, người ta đã đưa cà phê vào danh mục hàng hóa thiết yếu, thậm chí không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt. Tuy vậy, ở nước ta đa số sẽ không chấp nhận mặt hàng trên là thiết yếu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tùy theo từng vùng miền, tập quán để liệt kê cụ thể hàng hóa nào là thực sự cần thiết cho cuộc sống. Đừng để đến cả người thực thi công vụ cũng còn lúng túng không biết xử lý thế nào đối với các trường hợp vi phạm, còn người dân thì “lơ ngơ” không rõ ra ngoài mua gì thì được, mua gì thì không; hay tình trạng cố tình khai báo mua hàng hóa thiết yếu để đi ra ngoài một cách tùy tiện, vô tội vạ ở một số nơi...

Diễn giải như vậy người viết không hề có ý biện minh cho ông Phó chủ tịch phường nói trên, và càng không có ý bảo vệ cho thái độ và lời nói không chuẩn mực được phản ánh trong lip, nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay, bên cạnh sự linh hoạt, ứng biến nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch có hiệu quả thì cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để người dân dễ áp dụng. Điều quan trọng hơn nữa và cũng mang tính thiết thực không kém, đó chính là những người thực thi công vụ cần phải có ý thức nhân văn hơn với người dân. 

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc