Không chỉ là bức xúc...

VHO- Những ai không may có người thân bị bệnh trọng nằm viện, lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu “giật gấu vá vai” mới thấu hiểu được sự nhục nhằn và mới thấu được “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Biết bao người đã, đang và sẽ lâm vào tình cảnh ấy cộng với một tâm lý nói chung “còn nước còn tát” để cứu người thân vượt qua cửa tử nếu gặp may mắn. Nói như thế để thấy, “đi viện khổ lắm ai ơi” chứ không sung sướng như những hạng người bất chấp để câu kết “móc túi”, “ăn dày” trên lưng bệnh nhân. Và đau đớn phải thốt lên tiếp, câu chuyện xót xa ấy lại xảy ra …

 Vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội vừa bị cơ quan chức năng “phanh phui”, điểm mặt chỉ tên với chỉ riêng một máy thôi đã bị “thổi giá” lên hàng chục tỉ đồng mà người chi trả chính là bệnh nhân, lại một lần nữa khiến cho dư luận bàng hoàng, choáng váng. Một thiết bị y tế cộng với chi phí này nọ ví như chuyển giao, đào tạo cũng chỉ hơn 10 tỉ đồng thế mà (Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS và những đơn vị có liên quan biến báo lên đến 39 tỉ đồng, nghĩa là gấp bốn lần giá trị thực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi bệnh nhân muốn được cái thiết bị y tế ấy can thiệp, xử lý vì nó rất hiện đại, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam (theo lời quảng cáo cách đây 3 năm) thì phải trả chi phí cao gấp năm lần. Đánh trúng tâm lý của người nhà bệnh nhân rằng, máy hiện đại, tân tiến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong chữa trị nên bị mất thêm tiền năm hay mười lần đi nữa họ cũng phải... chịu chơi. Thế nên cái sự liên kết của Bệnh viên Bạch Mai Hà Nội với Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS cứ thế vắt từng đồng, từng xu trên thân phận bệnh nhân, miễn rằng họ có tiền để “chia đều”.

Hợp tác công tư, liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế là để phục vụ bệnh nhân được tốt hơn, chữa trị được hiệu quả hơn và dần tiệm cận với trình độ của khu vực và châu lục. Và đương nhiên, sự hợp tác ấy đôi bên cùng có lợi, nhưng phải suy cho cùng cái lợi nhất vẫn thuộc về bệnh nhân, sự an toàn và bình phục nhanh nhất của họ. Nhưng ở đây và được biết một số cơ sở y tế khác, họ đã câu kết với nhau để “làm tiền” trên thân phận đau yếu của bệnh nhân mà không hề gợn chút băn khoăn chứ đừng nói đến động lòng trắc ẩn. Đồng tiền ấy, đồng tiền “nhuốm đau thương, tàn nhẫn” ấy mà họ cũng có thể tiêu pha trác táng được sao?

Trong giai đoạn 2016-2017, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân, trong đó có thiết bị y tế bị “thổi giá” kể trên. Vậy đã có bao nhiêu bệnh nhân phải trả chi phí cao gấp nhiều lần? Theo nhiều nguồn thông tin, nếu bình thường, chi phí một ca phẫu thuật chỉ có giá 4,5 triệu đồng, thế mà người bệnh phải trả tới 23 triệu đồng/ca. Thử nhẩm tính sơ sơ thôi cũng đủ thấy có biết bao nhiêu đồng tiền “mồ hôi nước mắt” đã bị chiếm đoạt một cách không thương xót.

Một chuyên gia y tế xin không nêu tên đã nói với phóng viên Văn Hoá rằng, “khi nghe thông tin ấy tôi cảm thấy vô cùng xót xa...”. Còn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những “con cừu” bị “cắt cổ” một cách lạnh lùng, họ sẽ nghĩ gì và họ sẽ nói gì? Hãy lắng nghe họ nói rồi phải trả lời cho được, liệu rằng họ có được trả lại những đồng tiền “xương máu” mà họ đã bị buộc phải bỏ ra hay không? 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc