“Khởi động” Điện Kính Thiên
Câu chuyện phục dựng di tích quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Thăng Long là Điện Kính Thiên vừa được “khởi động” trở lại, nhưng lần này đã ở cấp độ cao hơn cùng với quyết tâm mạnh mẽ hơn khi UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia vào ngày 5.1. Nói là “khởi động” trở lại là bởi vấn đề này đã đặt ra cách đây hơn hai mươi năm, sau đó dường như năm nào cũng được đưa ra với những cuộc tọa đàm, hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc, bảo tồn...
Tuy nhiên, thông qua những diễn đàn đó, câu chuyện phục dựng công trình Điện Kính Thiên chỉ mới gọi là bàn bạc, trao đổi, song phần nào đó đã đi đến sự đồng thuận nhất định chứ chưa đưa ra được kế hoạch, lộ trình cụ thể, rõ ràng cho việc lập dự án, bởi đây là bài toán quá khó đối với giới chuyên môn nước ta. Và tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trong lần này, đã tỏ rõ quan điểm, chính kiến hơn khi cho rằng đã có cơ sở phục dựng Điện Kính Thiên. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng hiện nay tất cả di sản vật chất trong Hoàng thành Thăng Long là thuộc triều Nguyễn, vì vậy chúng ta cần phục dựng những công trình kiến trúc điển hình, trước mắt là Chính điện Kính Thiên, kết hợp với các di tích, dữ liệu khảo cổ để công chúng có thể hình dung được Thành Thăng Long trong quá khứ, ở những thời kỳ huy hoàng nhất. Còn GS.TSKH Vũ Minh Giang bày tỏ, Hà Nội được biết đến là Thủ đô nghìn năm văn hiến, là niềm tự hào của mọi người Việt Nam. Chúng ta cần có biểu tượng gắn với Hoàng thành Thăng Long và không có gì tốt hơn là Điện Kính Thiên. Việc phục dựng phải được coi là quyết tâm chính trị.
Dù đứng ở góc độ nào đi nữa thì việc tiến hành phục dựng Điện Kính Thiên không phải là công việc dễ dàng mặc dù ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm được và làm thành công. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ lập dự án, đánh giá, khảo sát hiện trạng cho đến lên phương án, nhưng cái khó nhất vẫn là tư liệu hình ảnh, khảo cổ cho việc phục dựng. Nhưng nói như GS Vũ Minh Giang, “việc phục dựng này được coi là quyết tâm chính trị” cũng như cần sự vào cuộc tích cực của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các Bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội, hy vọng câu chuyện của cách đây hơn hai mươi năm sẽ có được những hình hài mong muốn.
“Chốt” lại vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “hạ lệnh”: “Đây là việc cần làm đúng, làm thận trọng nhưng phải nhanh nhất có thể”, và nhấn mạnh Hoàng thành Thăng Long là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, vì vậy TP Hà Nội, Bộ VHTTDL phải quan tâm hết sức sâu sát.
NGUYỄN THANH SƯƠNG