"Khoan thư sức dân” để chống dịch

VHO- “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc...” là kế sách giữ nước của Đại Việt thời nhà Trần. Kế sách đó là giá trị văn hóa truyền thống, là bí quyết giữ nước của Đại Việt từ thời Hùng Vương. Đó là truyền thuyết Thánh Gióng được cả làng đóng góp lương thực và vụt lớn lên thành dũng sĩ đánh tan quân giặc. Truyền thống ấy xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm, giữ vững nền độc lập.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, khi mới giành được độc lập, đất nước trong tình thế ngặt nghèo. Ngân sách trống không, nạn đói làm chết hơn hai triệu người, hơn 90% dân mù chữ. 
 Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thực hiện kế sách “khoan thư sức dân” cả về vật chất và tinh thần bằng cách đề ra ba nhiệm vụ chính: Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Với các cuộc vận động toàn dân ra sức tăng gia sản xuất, vận động giảm tô giảm tức, phát động phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Nhờ “khoan thư sức dân” mới có nguồn lực kháng chiến thắng lợi. 
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong hoàn cảnh phải chi viện bốn chiến trường và chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, phải huy động tối đa sức người sức của nhưng vẫn tìm cách “khoan thư sức dân” bằng cách dành 5% ruộng đất cho mỗi hộ canh tác riêng. Tuy còn thiếu thốn, nhưng không xảy ra nạn đói và miền Bắc vẫn đủ sức chi viện cho cả chiến trường Đông Dương và ngay trong thời điểm khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ vẫn nghĩ đến “khoan thư sức dân” nên đã căn dặn: Khi thắng lợi phải “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho đồng bào hỉ hả, mát lòng mát dạ...”.
Công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đã đưa Việt Nam thoát nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình và hướng đến tầm nhìn trở thành nước thu nhập cao. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ cùng với thiên tai bão lụt làm đảo lộn cuộc sống của phần lớn người dân. Nhiều người lâm vào cảnh khó khăn đến mức không thể vừa chống dịch vừa kiếm sống. Trong khi đó, bệnh viện quá tải, nghĩa trang không còn chỗ, hỏa táng không kịp... 
Trước tình thế đó, Việt Nam đã cụ thể hóa kế sách “khoan thư sức dân” bằng phương châm “chống dịch như chống giặc, đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, có thể hy sinh một phần kinh tế, không ai bị bỏ lại phía sau”, và thực hiện ngay bằng việc tổ chức cứu trợ kịp thời cho các địa phương không để người dân nào phải đói ăn, điều động kịp thời lực lượng y tế đến các điểm nóng chống dịch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, điều động nhiều đơn vị bộ đội và công an trực tiếp trợ giúp nhân dân, từ việc canh gác giữ an ninh đến cung cấp lương thực thực phẩm đến từng nhà, chở bệnh nhân đến bệnh viện, chuyển tử thi và hài cốt. Có thể nói chưa bảo giờ Nhà nước phải lo trực tiếp cho từng người dân từ bữa ăn hằng ngày đến sức khỏe và tính mạng.
“Khoan thư sức dân” còn thể hiện ở những chính sách đối với các doanh nghiệp và các lĩnh vực sản xuất như: Giảm thuế, giảm phí thủ tục, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn... Do đó, mặc dù dịch bệnh gây thiệt hại kinh tế rất nặng nề nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia là “điểm sáng” về chống dịch và tăng trưởng dương về kinh tế. Đó là minh chứng rõ nhất cho việc vận dụng thành công kế sách “khoan thư sức dân” trong điều kiện chống dịch bệnh vô cùng khó khăn.
Trong khi cả nước phải gồng mình chống dịch, phải chi tiêu nhiều ngân sách để mua vắc xin và phải khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra thì lại có những kẻ lợi dụng tình thế bất ổn đó để trục lợi bằng cách nâng giá vật tư y tế, thuốc men, để chiếm dụng và gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng tiền đóng thuế của nhân dân làm cho tình hình đã khó lại càng khó hơn. Những kẻ đó phải bị trừng trị thích đáng với tội danh “phản dân hại nước” vì cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” còn đang diễn biến rất khó khăn, phức tạp. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN 

Ý kiến bạn đọc