Khi xã hội tôn vinh nghệ sĩ
VHO-Mấy hôm nay, những hình ảnh người hâm mộ đưa tiễn nghệ sĩ Chí Tài hết sức cảm động. Sự thương tiếc và tình cảm yêu mến của công chúng đối với nghệ sĩ Chí Tài không chỉ là sự tôn vinh đối với tài năng của người nghệ sĩ, mà sâu xa hơn đó thực sự là tình cảm dành cho nghệ thuật, dành cho cống hiến của các nghệ sĩ nói chung cho công chúng nói riêng, cả xã hội nói chung.
Làm nghệ thuật không chỉ đòi hỏi tài năng, tâm huyết mà còn là sự hy sinh thầm lặng đối với một nghề, và cũng là một nghiệp của người nghệ sĩ. Là người truyền cảm hứng về tình yêu thương trong xã hội nhưng người nghệ sĩ lại thường nén những nỗi đau của riêng mình. Mọi người thường biết đến người nghệ sĩ dưới những ánh sáng rực rỡ của sân khấu, với những ánh đèn màu và những bộ trang phục đẹp đẽ. Ít ai biết được rằng, người nghệ sĩ cũng là những con người hết sức bình thường, có yêu, thương, hờn ghen, lo toan cuộc sống với những cơm áo gạo tiền như tất cả những người bình thường khác. Nhưng để giữ hình tượng một người nghệ sĩ của công chúng, vì công chúng, họ luôn phải kiềm chế thậm chí gồng mình lên để hình ảnh của họ luôn lung linh, lấp lánh trong ánh mắt của mọi người. Và cũng có thể vì thế, họ trở thành hình mẫu đáng theo đuổi, mơ ước của nhiều người. Đây cũng là vinh dự, những đồng thời là trách nhiệm, và đôi khi là gánh nặng đối với người nghệ sĩ. Vì thế nên cũng đã có người nói rằng, Khi bạn xác định mình là nghệ sĩ thực thụ, bạn sẽ không bao giờ trở lại là người bình thường được nữa! Bạn sẽ phải đóng vai trò và thực hiện vai trò đó hết cuộc đời mình. Nếu không, bạn sẽ gặp bất hạnh!
Thực ra thì cũng có thể có những tranh luận đối với những nhận định đó nhưng không thể phủ nhận danh hiệu nghệ sĩ là đáng tôn vinh và thậm chí là thiêng liêng! Các ngành nghệ thuật đang có xu hướng xác định tổ nghề, và từ đó lấy đây làm những giá trị điều tiết và cách thức để tôn vinh cho hoạt động nghệ thuật của mình. Sử dụng các giá trị truyền thống để tôn vinh hoạt động nghề nghiệp hiện tại là một cách làm đáng khuyến khích khi chúng ta biết rằng hành trang tự hào của quá khứ luôn giúp cho người nghệ sĩ tự tin, đoàn kết, chia sẻ nhiều hơn, cũng đồng thời là cách các nghệ sĩ động viên tinh thần của nhau trong cuộc sống vốn có rất nhiều khó khăn của họ. Chúng ta nhận thấy từ khi các hoạt động thờ tổ nghề được thực hành rộng rãi, sự chia sẻ trong giới nghệ sĩ cũng được thực hiện nhiều hơn, tốt hơn. Nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống được chia sẻ cả về tinh thần và vật chất khiến họ cảm thấy yêu nghề và gắn bó với nghệ thuật hơn.
Nói như vậy để thấy được rằng, cuộc sống của một người bình thường đã gặp muôn vàn khó khăn thì cuộc sống của người nghệ sĩ cũng có nhiều khó khăn không kém, và đôi khi, vì đặc thù nghề nghiệp, họ luôn cố gắng rất nhiều để đem lại nụ cười, niềm vui và những giá trị cuộc sống cho khán giả. Khán giả yêu thần tượng của mình trên sân khấu nhưng đâu biết được rằng, để đáp lại tình yêu thương của họ, người nghệ sĩ cũng phải hy sinh rất nhiều. Với công chúng, họ thần tượng nghệ sĩ, luôn lấy những nghệ sĩ làm tấm gương. Và nghệ sĩ cũng dễ tác động đến tình cảm và hành vi của công chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy, tại sao những hình ảnh như của nghệ sĩ Chí Tài, khi anh mất đi, lại làm rung động nhiều con tim như vậy. Ít người có được một vị thế như vậy trong trái tim công chúng như một người nghệ sĩ tài năng.
Sự chú ý, quan tâm của công chúng đối với nghệ sĩ chính là sự tôn vinh đối với các nghệ sĩ. Chính vì vậy, đây cũng là lý do để các nghệ sĩ cần giữ gìn hình ảnh của mình. Họ chính là những tấm gương đạo đức, cống hiến, hy sinh vì nghệ thuật và vì mọi người. Công chúng đáp lại sự hy sinh, cống hiến và tấm gương đạo đức của bằng tình yêu được thể hiện vô bờ bến. Nghệ sĩ Chí Tài mất đi nhưng bài học về tấm gương lao động vì nghệ thuật, vì công chúng của anh sẽ còn lại mãi và sẽ truyền cảm hứng cho tất cả những người ở lại!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN