Khi huyện nghèo “chơi trội”
VHO- Dạo gần đây, nhiều địa phương trong đó có cả những huyện nghèo nhất nhì xuất hiện cái gọi là “phong trào” xây dựng tượng đài với kinh phí đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, với mục đích ghi nhớ sự kiện lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Khi dư luận đưa tin, phản ánh và phản ứng rần rần thì người đứng đầu địa phương đó giải thích rằng, “đây là chủ trương từ nhiều nhiệm kỳ trước, giờ mới quyết tâm làm. Còn tiền ngân sách ít thôi, chủ yếu là địa phương kêu gọi xã hội hoá...”.
Cũng cần phải nhấn mạnh đến một ý, việc xây dựng tượng đài trong chừng mực nào đó là cần thiết, nhằm lưu lại cho hậu thế công trình văn hóa, lịch sử chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa. Và nơi đây sẽ tạo ra không gian sinh hoạt văn hoá cho cộng đồng giao lưu, trao đổi...
Tuy nhiên, nói như một nhà nghiên cứu mỹ thuật, không phải ở đâu cũng có thể dựng được tượng đài. Lỗi không hẳn thuộc về chính quyền địa phương mà có cả phần trách nhiệm của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Nếu cơ quan có chuyên môn tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh đưa ra được một quy hoạch, theo đó địa phương nào được phép dựng tượng đài, quy mô, vị trí ra sao thì sẽ không có chuyện phải bàn cãi. Khi đã có quy hoạch thì cũng cần lưu ý đến một vấn đề quan trọng là thời điểm triển khai. “Tôi không dám nói thời gian này cần ưu tiên đầu tư xây dựng những hạng mục công trình thiết yếu cho dân sinh hơn là dựng tượng đài. Vì suy nghĩ như thế là phiến diện, hơn nữa không nên so sánh tính mục đích của các công trình với nhau. Nhưng thời điểm thực hiện dựng tượng đài cần được tính toán kỹ vì nếu không khéo sẽ tạo ra những luồng ý kiến trái ngược nhau”, nhà nghiên cứu mỹ thuật này nói.
Cách đây không lâu, một địa phương có điểm xuất phát thấp về kinh tế (vì mới được tái lập) có văn bản xin Trung ương nguồn vốn trên trăm tỷ đồng để xây dựng cụm tượng đài tại một vị trí trung tâm để làm điểm nhấn của tỉnh. Trong khi dư luận phản đối thì người viết lại ủng hộ, bởi việc tái lập đã được hơn năm năm nhưng ngay tại trung tâm của tỉnh không hề có bất cứ một công trình văn hoá nào để làm “điểm tựa” thu hút sự quan tâm của cộng đồng, làm điểm “check-in” cho du khách... Bên cạnh sự tán thành chủ trương cần thiết có những hạng mục quan trọng thì cũng cần xét xem còn bao nhiêu công trình dân sinh thiết yếu vẫn chưa thể được triển khai vì thiếu kinh phí. Và rồi, địa phương đó đã dành nguồn vốn “xin” được đầu tư cho hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” để đến giờ này vẫn chưa thể khởi động trở lại việc xây dựng tượng đài dù đã được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Dẫn ra như vậy để thấy rằng, thời điểm triển khai đầu tư xây dựng công trình tượng đài nếu được cân nhắc kỹ sẽ tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng, dư luận địa phương, còn “chệch” khỏi sự tính toán đó dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của xã hội. Một huyện nghèo, năm nào cũng phải hỗ trợ, trợ cấp, hệ thống hạ tầng, thiết chế xã hội còn thiếu và yếu mà bỏ ra hàng chục tỷ đồng để dựng tượng đài tại thời điểm này là sự “đầu tư” không khôn ngoan, nói cách khác, như thế chẳng khác nào “nhà nghèo” thích chơi trội.
NGUYỄN THANH SƯƠNG