Khi “đó là chuyện nhỏ”
VHO- Đến giờ, trong đầu người viết vẫn “lởn vởn” những hình ảnh trong clip “nhậu nhẹt” giữa cô và trò lớp 9 của một trường THCS, xen giữa tiếng hò reo zô… zô… đầy “chuyên nghiệp” của trò là tiếng cổ xúy rất nhiệt tình của cô giáo chủ nhiệm. Các em mới chỉ là học sinh cấp II, để các em tiếp xúc với bia rượu đã là không thể chấp nhận, đằng này cô còn uống cùng, cổ vũ và quay lại chiếu nhậu tưng bừng ấy rồi “pốt” lên mạng xã hội thì càng khó hiểu. Cảnh tượng ấy khiến dư luận dậy sóng suốt những ngày qua, còn bản thân người viết thì thấy thật sự ám ảnh và không thôi xuất hiện vô vàn câu hỏi chát chúa…
Ảnh cắt từ clip
Chúng ta luôn tự hào về truyền thống “tôn sư trọng đạo”, nghề giáo được tôn vinh là “nghề cao quý”, người dạy học được gọi là những “kỹ sư tâm hồn”, bởi họ không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò cách làm người và góp phần hình thành, phát triển nhân cách đúng đắn cho các em. Các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng để học trò noi theo và để làm tròn sứ mệnh, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với niềm tin yêu của xã hội. Trong thực tế, có rất nhiều các nhà giáo đã tận tụy dành tâm huyết cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục; rất nhiều thầy, cô nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã vượt qua khó khăn về vật chất và tinh thần để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người”...
Tuy nhiên, lâu nay những tiêu chuẩn đó dường như có phần bị xóa nhòa bởi khá nhiều giáo viên chưa nhận thức đúng và đủ hai chữ LÀM GƯƠNG. Ngành giáo dục và xã hội không khỏi đau lòng trước hiện tượng giáo viên thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như bạo hành, lăng mạ học sinh, không gương mẫu trong lời nói, việc làm… Những hiện tượng này tuy chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng dễ tạo nên bức xúc và phản cảm trong xã hội, nếu không được nhìn nhận thấu đáo, khách quan sẽ dẫn đến đánh giá, quy chụp cho nghề giáo và đội ngũ giáo viên. Sự việc cho học sinh nhậu nhẹt vừa qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh về sự “lệch chuẩn” trong hành vi và đạo đức nhà giáo.
Và đến ngày hôm qua, sau cơn mưa “gạch đá”, cô giáo đã livestream trên trang cá nhân để xin lỗi cộng đồng, tuy nhiên, cô này vẫn không quên “thòng” một câu: “Đó là chuyện nhỏ”, và “8 lon bia không thể làm cho các học sinh say được, bởi vì tôi đã kiểm soát được các em”… Liệu cô có hiểu rằng, ở đây không phải chuyện uống bao nhiêu thì say, mà là giới hạn không thể bước qua. Môi trường giáo dục có những “vùng cấm” mà bất kỳ người thầy, người cô nào nếu vẫn còn đứng trên bục giảng, trước hàng chục cặp mắt thơ ngây chiếu vào, cũng không thể tặc lưỡi làm liều.
Sự việc khiến cộng đồng dậy sóng, cồn cào, nhiều người bức xúc vì hành vi đó đã làm mất đi hình ảnh nghiêm túc, đáng kính trọng của người thầy, là phản giáo dục. Pháp luật cũng đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia…
Người viết chỉ muốn nói rằng, trong bối cảnh đời sống hôm nay, thầy, cô giáo hãy thực sự là tấm gương sáng về đạo đức để người học noi theo. Đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của đất nước. Mỗi nhà giáo hãy luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
ĐỖ CAO HUYỀN