Khi chủ nhà cổ được... hưởng lương
VHO- Một ngày cuối tháng Tư, người viết đọc được bản tin ngắn chỉ hơn hai trăm chữ đăng trên một tờ báo với tựa “Trả lương” cho chủ nhà cổ ở đô thị Hội An. Với nhiều người, bản tin này chắc sẽ bị lướt qua nhanh bởi nó không có gì là “giật gân” hay “câu khách”, nhưng những ai quan tâm đến các di sản đã được thế giới và trong nước công nhận, tạo nên thương hiệu riêng có đối với mỗi vùng miền thì sẽ dừng lại khá lâu, rồi đặt ra câu hỏi vì sao chính quyền, hội đồng nhân dân nơi đó có những động thái... lạ như thế?
Nước ta có nhiều đô thị cổ, phố cổ, làng cổ... gắn liền với những địa danh nổi tiếng đã đi vào thi ca, nhạc họa, nhiếp ảnh của biết bao thế hệ. Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nhiều địa danh cứ dần “tan vụn” đi trong cơn lốc của đô thị hoá, trong sự “xâm thực” của không ít dự án thương mại, nên có lẽ đến giờ chỉ còn lại... không quá bàn tay. Trong số địa danh cổ đã được xếp hạng di sản, di tích văn hóa có thể kể đến làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Phước Tích (Huế), Phố cổ Hà Nội (Ba mươi sáu phố phường), Đô thị cổ Hội An... Nếu thực sự quan tâm, để ý thì chúng ta sẽ thấy rằng, trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản tại những đô thị cổ, làng cổ ấy, Phố cổ Hội An có nhiều cách làm riêng rất độc đáo, thậm chí chưa có “tiền lệ” để mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch…
Một trong những cách quản lý, phát huy giá trị di sản khiến cho nhiều địa phương khác phải “ngả mũ” trước Quảng Nam, đó là địa phương này lại tiếp tục thực hiện “biện pháp” có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”: Trả lương cho chủ nhà cổ, nghĩa là trả lương cho gia chủ đang quản lý, bảo tồn tài sản của… chính mình. Theo đó, từ ngày 1.7 tới, 13 ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân trong khu phố cổ Hội An sẽ được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng/nhà đến hết năm 2021, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Đây là những ngôi nhà cổ được đưa vào danh sách các điểm tham quan. Lý giải cho sự hỗ trợ này, chính quyền Quảng Nam cho hay là “để động viên tinh thần các chủ sở hữu nhà cổ tiếp tục mở cửa, vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi du lịch”. Được biết từ khi có dịch Covid-19, nhiều nhà cổ tư nhân không có khách nên đã buộc phải đóng cửa.
Đúng là, giữa thời buổi khó khăn, sự động viên này của chính quyền Quảng Nam có thể nói như làn gió mát lành mang đến sự yên tâm phần nào cho người dân, khuyến khích họ nỗ lực, gắng gỏi cùng cơ quan chức năng khôi phục lại “nhịp đập” du lịch. Và cũng đúng như người xưa nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, số tiền năm triệu đồng tuy không lớn nhưng lại đưa ra đúng thời điểm, tạo nên sự khích lệ rất lớn đối với người dân. Qua cách làm này của chính quyền, chắc hẳn người dân sẽ càng có thêm động lực ra sức bảo tồn thật tốt di sản riêng mà chung của mình, để cùng cả đô thị cổ ngày một đẹp hơn, cởi mở hơn, thân thiện hơn trong mắt du khách bốn phương.
NGUYỄN THANH SƯƠNG