Khen không đúng, cổ vũ cái xấu cũng phải bị xử lý
VHO- Dân gian có câu: “Lời nói không mất tiền mua…”. Ý nghĩa sâu xa của câu nói này là trong quan hệ với những người xung quanh, chúng ta nên lựa lời hay, ý đẹp để nói chuyện với nhau, làm vừa lòng nhau, không nên “đao to, búa lớn” gây mất lòng, xích mích với nhau. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng một số cá nhân, tổ chức làm ăn phi pháp đã lợi dụng, mời người nổi tiếng, có uy tín liên quan đến lĩnh vực hoạt động, kinh doanh để ca ngợi, quảng bá, quảng cáo sản phẩm diễn ra khá phổ biến.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi bị phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động, sản xuất kinh doanh là lập tức mời những người có uy tín, có vị trí xã hội phát biểu, nêu ý kiến theo hướng có lợi để bảo vệ, bao che sai phạm của họ. Minh chứng là gần đây nhiều công ty hoạt động phi pháp, có dấu hiệu lừa đảo thường hay mời những người nổi tiếng hoặc có thẩm quyền lên các diễn đàn, họp báo để nêu ý kiến, phát biểu để đánh lạc hướng dư luận, che chắn những sai phạm cho các công ty này.
Bên cạnh đó là việc quảng bá, lăng xê các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa không có căn cứ, cơ sở. Khi chưa xảy ra hậu quả thì bảo rằng sản phẩm của công ty đó tốt, hoạt động của công ty có ý nghĩa cộng đồng, có trách nhiệm với người dân, xã hội. Đến khi hậu quả tiêu cực, thiệt hại xảy ra thì thường tìm cách trốn tránh trách nhiệm hoặc đổ lỗi, đùn đẩy cho cơ quan, cá nhân khác, ít ra thì cho là do… thời tiết, thiên tai, “biến đổi khí hậu”...
Việc những người có uy tín, có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nào đó tham dự, phát biểu ý kiến về một sản phẩm, hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp nếu dựa trên cơ sở khoa học, vô tư, khách quan là hoàn toàn bình thường. Thực tế, khi xem xét, nhìn nhận vấn đề nào đó có thể có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có thể sai hoặc đúng. Tuy nhiên, nếu vì mục đích vụ lợi, biết rõ tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, sản phẩm hàng hóa chưa được kiểm định, đánh giá chất lượng trên cơ sở khoa học nhưng người có uy tín, chuyên môn vẫn “khen”, vẫn “nói tốt”, vẫn ca ngợi và bảo vệ thì đó là biểu hiện của hành vi tiếp tay, bao che cho sai phạm.
Trong trường hợp này, những hành vi đó phải bị dư luận xã hội lên án và những cá nhân liên quan cần phải được xem xét, điều tra, xử lý nghiêm. Bởi vì, như vậy không chỉ gây bức xúc trong nhân dân, đánh lạc hướng dư luận giúp cho hành vi vi phạm kéo dài mà còn gây khó khăn, cản trở việc xác minh xử lý các sai phạm một cách kịp thời, triệt để.
VĨNH LINH