Khát vọng về đất nước hùng cường trong "Thư gửi học sinh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

VHO-Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong không khí nô nức của các em học sinh nhân buổi tựu trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các học sinh (tháng 9.1945). Bức thư không chỉ thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp “trồng người” mà còn thể hiện sự kỳ vọng, mong ước của Người về thế hệ trẻ sẽ xây dựng nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Khát vọng về đất nước hùng cường trong

Sinh thời, Bác Hồ luôn chăm lo, trăn trở đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Ảnh tư liệu

Đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp "trồng người", vì chỉ có con đường giáo dục và qua giáo dục, đào tạo mới tạo nên những con người vừa “hồng, vừa “chuyên" -  nhân tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thấu hiểu, cảm thông với những nỗi nhọc nhằn của các em nhỏ trong những năm chiến tranh, vì hoàn cảnh đất nước, các em không được cắp sách tới trường mà phải chịu bao cảnh "cơ hàn xót xa". Trong bài thơ Trẻ con đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 21-9-1941, Người viết: Chẳng may vận nước gian nan /Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng /Học hành, giáo dục đã không /Nhà nghèo lại  phải làm công, cày bừa. Vì thế ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong niềm vui độc lập, tự do của dân tộc, trong niềm nô nức, vui mừng, phấn khởi của các thầy cô giáo, các em học sinh trong buổi khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư hỏi thăm, động viên các em. Bức thư ngắn nhưng chứa đựng những thông điệp, triết lý nhân sinh sâu sắc.

Là lãnh tụ của dân tộc, người đứng đầu Chính phủ lâm thời nhưng khi nói với các em học sinh, Người khiêm nhường trong lối xưng hô là "người anh lớn" để trò chuyện, tâm tình, động viên các em với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc. Vì thế bức thư gợi cảm giác vừa thiêng liêng, tôn kính, trân quý, vừa ấm áp, nồng hậu, chạm đến trái tim, suy nghĩ của biết bao em nhỏ trong ngày vui tựu trường.

Hòa trong không khí của ngày khai trường, dường như Người cũng không giấu nổi niềm xúc động, tự hào, niềm vui mừng khôn xiết khi đất nước vừa trải qua bao gian khổ, hy sinh để có được độc lập, tự do. Trong thư, Người viết: "Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".

Để kiến thiết, xây dựng nước nhà cần có những con người mới có sức khỏe, tri thức, phẩm chất đạo đức; có tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, non sông. Nhà trường xã hội chủ nghĩa sẽ có trách nhiệm, sứ mệnh cao cả đảm bảo quyền được học tập, được tới trường cho mọi trẻ em, nơi sẽ cung cấp cho các em những tri thức, những bài học đầu đời, rèn luyện cho các em những kỹ năng cần thiết để trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Theo Người, nền giáo dục của nước Việt Nam mới là nền giáo dục đề cao tinh thần sáng tạo; chú trọng, quan tâm đến việc phát triển tài năng, tôn trọng cá tính, sở trường của mỗi học sinh. Người nhấn mạnh: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em". Câu nói của Người thể hiện tư duy, tầm nhìn xa rộng mang tính triết lý, nhân bản. Giáo dục là góp phần đào tạo, hình thành lên những con người mới, những công dân có ích cho xã hội. Nền giáo dục của nước Việt Nam mới là nền giáo dục mở, lấy người học làm trung tâm, giúp họ bộc lộ "những năng lực sẵn có", những tố chất riêng của mỗi học sinh.

Cũng trong thư, Người nhấn mạnh, đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày nay là nhờ sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ cha anh. Vì thế các em phải nỗ lực, cố gắng, siêng năng, nghe thầy, yêu bạn, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, trưởng thành, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng. Học phải đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tiễn.

Để phát huy năng lực, tố chất, sức sáng tạo của mỗi học sinh, nhà trường phải tạo môi trường, không khí học tập vui vẻ, phấn khởi, mang đến những cảm xúc, năng lượng tích cực cho người học. Cuối thư, Người chúc các em một năm học mới "đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp".

Gửi trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, Người kỳ vọng, mong mỏi các em không ngừng nỗ lực, cố gắng rèn đức, luyện tài để góp phần xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Câu nói "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần biết bao thế hệ học sinh, giúp họ vượt qua mọi khó khăn để viết lên những trang sử mới cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Xứng đáng với niềm tin của Người

Sau 76 năm kể từ bức thư Người gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), sự nghiệp giáo dục đào tạo không ngừng phát triển, đồng hành cùng dân tộc vượt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong mỗi bước đường lịch sử, nền giáo dục đã góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân hữu ích, đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi mà thời đại đặt ra.

Đặc biệt, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khắc ghi những lời căn dặn của Người: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ (đoàn viên và thanh niên), đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết…, Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như thực hiện công cuộc đổi mới, luôn nhất quán, kiên định mục tiêu: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá quan trọng trong phát triển bền vững đất nước. Vì thế, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, cho tương lai.

 Nhờ kiên trì thực hiện triết lý, mục tiêu giáo dục nhân văn, giáo dục con người toàn diện; thực hiện đồng bộ công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (gồm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý trong giáo dục; đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy; đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá) theo hướng lấy người học làm trung tâm, trường học hạnh phúc, phát huy tinh thần tự học, sáng tạo, học tập suốt đời, xây dựng mô hình xã hội học tập, khơi dậy tinh thần, truyền thống hiếu học, đức tính thông minh, cần cù, chịu khó, ý chí, khát vọng vươn lên của người Việt, những năm qua lĩnh vực giáo dục đào tạo đã đạt được những thành quả to lớn. Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết".

Không chỉ quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường học ngày càng đầy đủ, đồng bộ, khang trang, hiện đại; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao; khoảng cách về giáo dục giữa miền ngược và miền xuôi từng bước được thu hẹp, đảm bảo tốt quyền được tiếp cận và thụ hưởng thành tựu giáo dục cho mọi trẻ em…, giáo dục Việt Nam những năm qua đã khẳng định được dấu ấn, vị thế trong bức tranh giáo dục khu vực và thế giới.

Mặc dù trong bối cảnh hiện nay, đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học của thầy và trò. Để thích ứng với tình hình mới, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm của thầy và trò, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, ta có quyền tin tưởng vào một năm mới với nhiều thắng lợi mới.

Để phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đòi hòi sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, từ đó sáng tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và chất xám cao để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trong không khi hào hùng của những ngày mùa thu lịch sử, trong bối cảnh đặc biệt của đất nước, mỗi học sinh hiện nay không chỉ là “chiến sĩ” trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà còn là những “chiến sĩ” tiên phong trong hành trình chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện nhân cách, không ngừng đổi mới, sáng tạo, có nhiều cống hiến, đóng góp tích cực, thực hiện thành công niềm tin tưởng, kỳ vọng lớn lao của Người về thế hệ trẻ sẽ đưa đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

TS. NGUYỄN HUY PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ý kiến bạn đọc