Hương ước, quy ước cũng phải đúng luật

VHO- Theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hương ước, quy ước thôn, làng là bản cam kết tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư…

Đặc biệt, quy định về hương ước quy ước là “không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất”. Tuy nhiên, thời gian qua tại nhiều địa phương, người dân tự đưa vào hương ước, quy ước những nội dung trái quy định pháp luật, không phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc, làng xã.

 Điển hình là quy định xử phạt vào hương ước, quy ước như gia đình tổ chức ăn cỗ sẽ bị phạt nếu để khách lấy phần đem về; nuôi bò phải đóng phí đồng cỏ… Hay như trường hợp xóm ra quy ước không đóng tiền làm đường sẽ bị bêu tên cả vợ lẫn chồng ngay đường vào khu dân cư…

Mặc dù, khi bị người dân lên tiếng, báo chí phản ánh tình trạng này được chấn chỉnh phần nào nhưng đâu đó vẫn xảy ra. Nhất là việc không xác nhận hoặc gây khó khăn cho người dân khi làm thủ tục, giấy tờ vì chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, phí đối với làng, xã. Có thể khẳng định, đa số ý kiến người dân đều phản đối và cho rằng việc quy định như vậy là bất hợp lý, trái pháp luật. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở những nơi này giải thích là nội dung đó do chính người dân tự nguyện xây dựng, quy định tại hương ước của thôn, làng, “xã không quy định, bắt buộc ai cả”. Việc giải thích như vậy là chưa thuyết phục, không hợp lý. Vì lẽ đó, dù hương ước, quy ước do người dân trong cộng đồng dân cư xây dựng nhưng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt. Cụ thể ở đây là các bản hương ước, quy ước phải được công nhận bởi UBND cấp huyện, bằng việc “ra quyết định công nhận”. Điều này có nghĩa, khi hương ước, quy ước chưa được cơ quan có chấp thuận, phê duyệt thì không được đưa ra áp dụng, thực hiện trong thực tế cuộc sống.

Mặt khác, việc quy định buộc phạt tiền người dân nếu vi phạm nội dung hương ước, quy ước cũng trái quy định pháp luật. Bởi vì, thôn, làng, cộng đồng dân cư không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cụ thể ở đây là xử phạt tiền người dân, tổ chức. Việc thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, văn minh trong xây dựng nông thôn mới là rất cần thiết, nên làm. Tuy vậy, không vì thế mà quy định những nội dung đi ngược lại phong tục, tập quán, nhất là quy định phạt tiền trái quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời xác minh, chấn chỉnh những nội dung chưa phù hợp trái quy định pháp luật nhằm vừa bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

ThS, LUẬT GIA PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc