Hội chứng không biết
VHO- Tại phiên tòa xét xử vụ AVG hôm qua 17.12, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Bộ TT&TT và cấp dưới đều khai không biết có vi phạm tại thời điểm ký các văn bản cho Mobifone mua AVG khiến thẩm phán phiên tòa gay gắt: Ở đây ai cũng nói thời điểm đó tôi chả hiểu gì cả nhưng vẫn ngồi trên ghế lãnh đạo. Không hiểu gì làm lãnh đạo làm gì?
Câu hỏi “làm lãnh đạo làm gì?” của thẩm phán đúng là rất khó trả lời. Thực ra không phải lần đầu mới lộ ra việc thiếu hiểu biết, không có kiến thức chuyên môn nhưng vẫn làm lãnh đạo.
Tỉ như tại phiên xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỉở Phú Thọ cho thấy, bị cáo Nguyễn Văn Hóa không hiểu biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số, thậm chí không biết sử dụng máy… vi tính nhưng từng là Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50.
Nhiều người tặc lưỡi, làm lãnh đạo đâu nhất thiết phải là chuyên gia. Ừ, thì cứ cho là đúng đi. Nhưng với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không thể viện cớ không hiểu, không biết để làm thất thoát tài sản của Nhà nước hàng nghìn tỉđồng, tư túi hàng chục tỉđồng, để rồi gần như cả bộ sậu vướng vào vòng lao lý.
Kỳ thực, hội chứng “không biết” không chỉbị phanh phui nơi công đường mà còn diễn ra dưới muôn hình vạn trạng trong đời sống hằng ngày. Có những sai phạm tày đình xảy ra ngay tại đơn vị, địa phương mình, dân biết, mọi người biết, chỉcó một người không biết, khi báo chí hỏi thì vẫn là câu trả lời nằm lòng: Có chuyện đấy à? Mình mới nghe, để mình cho người kiểm tra.
Và chờ cho đến khi “kiểm tra”, nghe được, biết được thì vụ việc đã tan hoang rồi, thiếu nước bốc điện thoại a lô lo hậu sự nữa thôi.
Công trình xây dựng xâm hại vùng lõi di sản Tràng An. Ảnh: NLĐ
Không nói đâu xa, những vụ việc xâm phạm di sản văn hóa đang gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây cũng từ những chuyện “không hiểu, không biết”. Công trình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh “băm nát” cảnh quan Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) hay như mới đây, công trình “khủng” xây dựng ngay vùng lõi Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) dường như không cần biết đến quy hoạch đã được phê duyệt trước đócủa Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ, vùng lõi danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 ha và được phân thành vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), không cho kinh doanh dịch vụ và các hoạt động lưu trú. Thế nhưng không hiểu sao, 13 ngày sau, ngày 17.2.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình lúc đó lại kýQuyết định 305 cho Công ty Doanh Sinh xây dựng nhà hàng, khu nghỉdưỡng ngay trong vùng lõi danh thắng Tràng An (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Chẳng lẽ “phép vua thua lệ làng”?
Không hiểu, không biết hay cố tình không hiểu, không biết? Đến lãnh đạo tỉnh mà còn ứng xử với di sản như thế thì Tràng An không bị tổn thương, bầm lên, dập xuống với hết vi phạm này đến vi phạm khác mới lạ.
Thật hài hước, ngày 5.12 vừa qua tại Ninh Bình diễn ra Hội thảo quốc tế về công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững với sự tham dự đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam thì bên ngoài hội thảo, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên xây dựng hàng loạt công trình sai phép, tàn phá Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.
Trở lại chuyện phiên tòa xét xử vụ AVG với câu hỏi của thẩm phán. Có thể vì “không hiểu, không biết” mà một loạt người phải bước ra vành móng ngựa. Đấy là những vụ án về kinh tế. Thế còn những vụ “không hiểu, không biết”, xâm hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng di tích quốc gia, di sản văn hóa thế giới thì sao? Không phải không có lýkhi GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia trong một lần trao đổi với báo chí cho rằng, luật pháp trong lĩnh vực di sản văn hóa không nghiêm khắc, bởi thực tế từ trước đến này vẫn chưa có bất cứ một vụ án hình sự nào trong lĩnh vực văn hóa và di sản.
Khi thực thi luật không nghiêm, người vi phạm không sợ, bảo vệ cũng khó!
PHAN THANH NAM