Hiểm họa khôn lường với giới trẻ
VHO- Một vụ án mạng thương tâm khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa mà nguyên nhân xuất phát từ việc nghiện game, hành vi do ảo tưởng nhưng hậu quả lại xảy ra thật. Theo đó, bé trai 5 tuổi H.T.V.Đ (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tử vong, theo xác định ban đầu là do đói khát khi bị nghi phạm Đ. N. H, học sinh lớp 11 ở cùng xã - bắt mang đi giấu trong rừng cách nhà khoảng 10 km. Theo những lời khai ban đầu của H., đối tượng này nghiện game, bắt bé Đ. đi giấu vào rừng theo nội dung game trốn tìm, để sau đó đi tìm chuộc công.
Từ vụ việc đau lòng nêu trên, cho thấy thực trạng đáng báo động hiện nay đó là tình trạng nghiện game trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, một khi các em lệ thuộc vào game sẽ có nguy cơ rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, ảo giác luôn xuất hiện trong tâm trí và các em sẽ có hành vi bạo lực do bắt chước nội dung trong game. Hậu quả xảy ra đối với người nghiện game nặng là bỏ học, thiếu kỹ năng sống, lập dị, tự gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trẻ em nghiện game phần lớn là do gia đình buông lỏng quản lý, chiều con quá mức, sẵn sàng đưa điện thoại thông minh, máy tính bảng để các em không quấy phá và phải nghe lời cha mẹ. Với cách làm như vậy, lâu ngày sẽ tạo cho con thói quen khó bỏ, các cháu sẽ bị lệ thuộc, có thể truy cập, tiếp xúc vào những trang mạng xã hội không phù hợp với độ tuổi, làm quen với nhiều thể loại game online và bị lôi cuốn, lệ thuộc vào nó lúc nào không hay biết. Khi cha mẹ phát hiện và cấm đoán thì các em sẽ tìm đến các quán nét để chơi game; khi hết tiền thì trộm cắp, thậm chí giết người để có tiền thỏa mãn thú vui. Thực tế, những vụ án mạng rúng động đã xảy ra thời gian qua xuất phát từ việc thiếu tiền chơi game, đối tượng phạm tội có tuổi đời rất trẻ.
Hệ lụy của nghiện game có thể dễ nhận biết là người dùng sẽ mất ngủ, thiếu kỹ năng sống, giảm sút các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, giảm hiệu suất công việc, lười nhác, ích kỷ, không có chí tiến thủ. Điều đáng báo động hơn cả là hiện nay có quá nhiều game bạo lực, bắn giết, đánh đấm lẫn nhau,… khiến người chơi bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, thay đổi hành vi, xử sự với cuộc sống thật như với game ảo. Nhiều trường hợp lệ thuộc nặng vào game, khi gia đình phát hiện thì các em đã có dấu hiệu trầm cảm, tâm thần, nói năng lảm nhảm,... Nếu được điều trị tích cực ở các cơ sở y tế, dù các em có phục hồi cũng khó có thể khỏi hẳn và di chứng có thể theo các em suốt đời.
Để không xảy ra hậu quả đáng tiếc do chứng nghiện game gây ra, gia đình cần phải tăng cường các biện pháp quản lý, hạn chế các em tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh, nhất là trò chơi game bạo lực; khuyến khích các em tích cực học tập, tham gia rèn luyện thể dục, thể thao; cha mẹ thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm sinh lý của con để có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với chính quyền địa phương, cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ các quán nét; giám sát độ tuổi và giờ giấc của người chơi game, nếu trường hợp nào bị lệ thuộc như “cày” game thâu đêm suốt sáng thì phải phối hợp với gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội xử lý, giúp đỡ các em.
Đối với nhà trường cần phải tuyên truyền, giáo dục và cảnh báo tác hại của các trò chơi game bạo lực trên mạng cho học sinh. Đồng thời, giám sát chặt chẽ những học sinh thường xuyên bỏ học, học lực giảm sút do nghiện game để phối hợp với gia đình quản lý, giáo dục. Đối với gia đình, khi phát hiện các em có biểu hiện tâm lý không bình thường như ảo giác, ảo thanh, tâm thần, hành vi bạo lực,… do chứng nghiện game gây ra thì phải đưa các em đi điều trị kịp thời, tuyệt đối không được bỏ mặc các em, nếu không hậu quả đáng tiếc, đau lòng sẽ tiếp tục xảy ra.
ĐỖ VĂN NHÂN