Hãy để cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ

VHO- Thời gian gần đây có nhiều đối tượng lợi dụng quyền được ghi âm, ghi hình lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) khi làm nhiệm vụ để tung lên mạng xã hội. Mục đích chủ yếu là chống đối, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thực thi công vụ. Có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này. Một số cho rằng người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT nên việc ghi âm, ghi hình rồi phát trực tiếp lên mạng xã hội là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình, vì người dân có quyền giám sát nhưng không được lạm dụng quyền này để cản trở hoạt động nghiệp vụ, xâm phạm các quyền về hình ảnh cá nhân.

Người viết hoàn toàn thống nhất với quan điểm không được lạm dụng quyền này, nhất là việc tổ chức ghi hình và phát trực tiếp hình ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ trên mạng xã hội. Thứ nhất, dưới góc độ pháp luật: Tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Theo đó, nghiêm cấm những thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó hay bí mật công tác, thông tin thuộc sở hữu của người khác hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác... Tại Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì hành vi thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng; Khoản 2 Điều 101 Nghị định này thì hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Như vậy, pháp luật đã quy định về quyền của mọi người về hình ảnh cá nhân, bất cứ ai cũng có quyền đối với hình ảnh của mình. Do đó, nếu người dân đưa hình ảnh CSGT hoặc phát trực tiếp lên mạng xã hội khi chưa được sự cho phép của họ là không đúng quy định. Thứ hai, về khía cạnh tâm lý: Rõ ràng việc ghi âm, ghi hình rồi phát trực tiếp quá trình làm việc của lực lượng CSGT sẽ tạo ra áp lực về tinh thần, tâm lý cho họ. Khi làm nhiệm vụ, đặc biệt là tuần tra, xử lý vi phạm giao thông phải trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân, nhất là người vi phạm thì sẽ không tránh khỏi va chạm, lời lẽ qua lại, thậm chí cãi vã, to tiếng... Tuy vậy, viện lý do đó để quay phim, chụp hình CSGT đưa lên mạng là không hợp lý, gây phản cảm.

Có thể coi đó là hành vi cố tình cản trở, gây khó khăn cho lực lượng CSGT làm tốt nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, việc tùy tiện tụ tập ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội, nhất là gây mất an toàn giao thông, ùn tắc, tai nạn giao thông... Mặc dù Bộ Công an cho phép người dân có thể ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ nhưng ở đây nên được hiểu là được quyền ghi âm, ghi hình nhằm giám sát CSGT thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, phòng ngừa tiêu cực... Tuyệt đối không nên hiểu việc sử dụng hình ảnh CSGT đang làm việc nhằm vào mục đích khác một cách tùy tiện, ác ý.

Người dân với quyền được giám sát của mình hãy chung tay cùng lực lượng CSGT đảm bảo trật tự an toàn giao thông thay vì tùy tiện dùng hình ảnh cá nhân gây áp lực tâm lý, cản trở CSGT làm nhiệm vụ. Đặc biệt, không để đây là cái cớ cho một số kẻ xấu lợi dụng quyền này với mục đích gây rối trật tự xã hội, phá hoại, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thực thi công vụ nói chung, CSGT nói riêng. 

 ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc