“Giải cứu” văn hoá
VHO- Trước tác động của đại dịch Covid-19 đối với văn hoá, vào ngày 22.4 tới đây, tổ chức UNESCO dự kiến sẽ mời Bộ trưởng Văn hóa của các quốc gia thành viên cùng tham dự một cuộc họp trực tuyến nhằm trao đổi thông tin và quan điểm về tác động của cuộc khủng hoảng đối với ngành văn hóa ở nước mình, xác định các biện pháp chính sách khắc phục phù hợp với bối cảnh quốc gia khác nhau.
Nhiều di tích tạm thời đóng cửa
Thực ra không phải bây giờ mà cách đây hơn một tháng, tại tâm dịch của thế giới, Chính phủ các nước châu Âu đã tung ra các gói hỗ trợ sâu rộng cho ngành Văn hoá, sáng tạo và truyền thông. Ví như Chính phủ Anh cam kết gói hỗ trợ 130 tỉ bảng (162,4 tỉ USD),
trước mắt Hội đồng nghệ thuật Anh đã ra mắt đưa ra gói hỗ trợ khẩn cấp 160 triệu bảng (gần 200 triệu USD); Chính phủ Đức hỗ trợ khẩn cấp 50 tỉ Euro (54 tỉ USD); Italia: 130 triệu Euro (141,3 triệu USD); Pháp: 23,5 triệu Euro (25,5 triệu USD); Tây Ban Nha: 20 triệu Euro (21,7 triệu USD)…
Cùng với khoản hỗ trợ ngân sách, Chính phủ các nước nói trên cũng hỗ trợ nhiều hình thức khác như các địa điểm nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, di tích lịch sử... tại Italia không phải chi trả các khoản phí an sinh xã hội; vé cho các buổi biểu diễn nghệ thuật, vé vào cửa bảo tàng, di tích lịch sử… sẽ được chuyển thành các voucher có giá trị tương đương và được sử dụng trong vòng một năm. Hoặc tại Tây Ban Nha, người lao động trong lĩnh vực văn hóa sẽ được hoãn thanh toán các khoản thế chấp cho hoạt động kinh tế; các khoản đóng góp an sinh xã hội; việc thanh toán tiền điện và các vật tư cơ bản khác cũng được hoãn, giảm…
Rõ ràng, cùng với lĩnh vực du lịch, khách sạn và hàng không, lĩnh vực văn hóa bị tổn thương nặng nề trong đại dịch. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng với việc hàng loạt bảo tàng, di tích, nhà hát, rạp phim… đóng cửa hàng tháng trời thì chắc chắn ảnh hưởng không hề nhỏ. Như Văn Hoá số báo này phản ánh, đến ngành thời thượng như hướng dẫn viên du lịch bỗng chốc trở thành… người nghèo, cận nghèo thì những người làm trong ngành Văn hoá, nhất là đối tượng lao động hợp đồng, tự do… đang gặp rất nhiều khó khăn cũng không có gì lạ.
Đương nhiên trong lúc khó khăn như thế này thì các đơn vị trong lĩnh vực văn hoá-nghệ thuật phải xem đây là cơ hội để vượt qua thách thức. Bằng cách chuyển đổi sang công nghệ số, thay đổi phương thức tương tác với khán giả trong kỷ nguyên 4.0, thậm chí thay đổi - hay nói chính xác hơn là đổi mới từ cung cách làm việc đến con người để phù hợp với tình hình mới.
Nhưng nói gì thì nói, trước mắt cũng như lâu dài, lĩnh vực Văn hoá rất cần sự tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước, chung tay của cả xã hội. Tổn thất trên lĩnh vực văn hoá không thể đo đếm được như du lịch, kinh tế nhưng ắt sẽ để lại hậu quả nặng nề và lâu dài. Suy cho cùng, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước vẫn là văn hoá và con người. Rất chí lý khi PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Để các tổ chức văn hóa, nghệ thuật và các nghệ sĩ vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đột ngột và bất khả kháng như Covid-19, một gói cứu trợ khẩn cấp bao gồm hỗ trợ cho việc thuê địa điểm, trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, vay không đồng, miễn giảm thuế,... sẽ là đáng quý, hữu ích và kịp thời cho những tổ chức văn hóa nghệ thuật vốn phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực và năng lực hạn chế như ở nước ta hiện nay. Lâu dài hơn, các tổ chức văn hóa nghệ thuật cần được giúp đỡ để nâng cao năng lực chuyển đổi mô hình hoạt động (về quản trị trực tuyến, truyền thông trực tuyến, phát triển khán giả/ thị trường trực tuyến,...) nhằm ứng phó với khủng hoảng và dịch bệnh như hiện nay. Bên cạnh đó là những hỗ trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật về công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông, cho phép các tổ chức này tiếp tục thực hiện các chương trình, sự kiện, hoạt động định kỳ của mình trên nền tảng truyền thông số”.
PHAN THANH NAM